Việt Nam: Hết trông đợi 'trái thấp dễ hái'
Cơ hội lớn nhất cho nền kinh tế trong giai đoạn mới, đó là khi cả Chính phủ và doanh nghiệp nhận thấy những thành công dễ dàng không còn nữa và con đường duy nhất là cùng nhau hướng đến những thành công khó khăn.
Doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã chao đảo trong dông bão từ đầu năm 2008. Suốt bảy năm qua, cứ mỗi đầu năm mọi người lại hỏi nhau: Điều gì trong năm mới sẽ giúp mình thoát khỏi khó khăn. Năm 2015, liệu chúng ta có tìm được câu trả lời?
Tụt hậu không còn là nguy cơ
Trước thời điểm dông bão nổi lên, chúng ta đã từng có những thành công tương đối dễ dàng, đó là giai đoạn giải phóng sức sản xuất nông nghiệp, giải phóng tiềm năng kinh doanh, mở cửa đón dòng vốn nước ngoài và thu lợi nhuận từ đất đai.
Tất cả điều đó đã qua đi. GS David Dapice (ĐH Harvard) ví như những trái cây thấp dễ hái đã hết, đến nay chỉ còn những trái khó khăn hơn mới hái được. Nếu chúng ta vẫn còn mong chờ những trái cây dễ hái như trước đây, tụt hậu là điều dễ hiểu.
Chúng ta đã nói nhiều về nguy cơ tụt hậu. Đến nay không còn là nguy cơ mà đã là hiện thực.
Có nhiều cách đo lường sự tụt hậu. Ngân hàng Thế giới có bảng xếp hạng về chính sách và môi trường kinh doanh. Diễn đàn Kinh tế Thế giới có bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh. Thế giới còn nhiều bảng xếp hạng khác mà chúng ta thậm chí còn chưa có tên trong đó.
Tuy nhiên, có thể bắt đầu bằng một điều mà từ trước đến nay chúng ta vẫn tự hào: Tốc độ tăng trưởng nhanh, cụ thể là tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tự hào đó có đúng không?
So sánh năng lực cạnh tranh của các nước tham gia TPP. Việt Nam xếp hạng thấp nhất trong 12 quốc gia của TPP. Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF
Báo cáo năm 2014 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy so với các quốc gia đang phát triển và đang nổi lên ở châu Á, mức GDP bình quân đầu người của Việt Nam đang bị tụt lại phía sau và khoảng cách mỗi năm mỗi giãn xa thêm. Lưu ý là con số GDP này đã quy đổi theo sức mua, nghĩa là đã hiệu chỉnh theo giá cả ở mỗi nước.
Cách thứ hai để nhìn nhận sự tụt hậu, đó là xem xét xếp hạng về năng lực cạnh tranh. Việt Nam đang đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng có lẽ ít ai để ý đến một sự thật là Việt Nam xếp hạng thấp nhất trong 12 quốc gia của TPP và cũng ít ai tìm hiểu tác động của vị trí thấp nhất này trong TPP.
Cũng tháng 12-2015 tới đây sẽ là thời điểm chính thức vận hành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (gọi tắt là EAC). Ít ai để ý đến một điều là xét về quy mô kinh tế, Việt Nam chiếm khoảng 8% trong ASEAN, còn 89% có năng lực cạnh tranh cao hơn chúng ta, chỉ có 3% có năng lực cạnh tranh thấp hơn chúng ta!
Dường như tình thế quá tệ! Nhưng nếu nhìn sâu vào thì còn tệ hơn nữa. WEF sử dụng một chỉ số là “bản chất của năng lực cạnh tranh”. Họ phân các quốc gia trên thế giới làm năm nhóm tùy thuộc theo trình độ phát triển. Trong đó, nhóm thứ nhất là các nền kinh tế dựa vào các yếu tố sẵn có, đó là lao động không cần kỹ năng và tài nguyên thiên nhiên. Nhóm đứng giữa cạnh tranh dựa vào năng suất, nghĩa là thế giới sản xuất gì thì họ sản xuất như vậy nhưng nhiều hơn và rẻ hơn. Nhóm đứng ở bậc cao nhất của phát triển, đó là cạnh tranh dựa vào sáng tạo, để đưa ra những công nghệ mới, quy trình mới và sản phẩm mới mà chưa ai có. Việt Nam bao năm nay vẫn trong nhóm thứ nhất. Trong ASEAN, chúng ta còn đứng dưới cả Lào và Campuchia về tiêu chí này.
Nhìn lại những quả thấp dễ hái
Trái dễ hái thứ nhất, nông nghiệp đã từng là chỗ dựa quan trọng cho Việt Nam, đặc biệt là từ thiếu lương thực chuyển sang đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Đây cũng là nguồn thu ngoại tệ quan trọng và là nguồn nuôi sống công nhân khi công nghiệp sa sút. Tuy nhiên, toàn bộ nông - lâm - thủy sản chỉ còn chiếm 18% GDP. Việt Nam cũng là nước có đất canh tác bình quân đầu người thấp nhất châu Á (ngoại trừ Singapore và Hong Kong). Không thể vắt sức nông nghiệp hơn nữa.
Nguồn: Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF
Trái dễ hái thứ hai, đầu tư nước ngoài cũng từng được kỳ vọng là nguồn lực cho tăng trưởng với những yếu tố như tiền vốn, công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ nhất, vốn FDI vào Việt Nam so với các nước Đông Nam Á đã giảm mạnh và tính bình quân đầu người thì chỉ bằng một nửa mức của ASEAN. Thứ hai, về tiêu chí chuyển giao công nghệ từ FDI thì Việt Nam bị WEF xếp hạng áp chót trong ASEAN, chỉ cao hơn duy nhất Myanmar. Thứ ba, chúng ta tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhưng bao năm qua vẫn dừng ở khâu có giá trị gia tăng thấp nhất: Xuất khẩu thô và gia công lắp ráp.
Trái dễ hái thứ ba, đất đai và chứng khoán cũng từng là những kỳ vọng lớn. Tuy nhiên, nếu chỉ là tăng giá mà không tăng giá trị gia tăng thì chỉ tạo ra siêu lợi nhuận cho những cá nhân và nhóm nhất định, không tạo ra sự phát triển. Đến nay thì mọi người đã công nhận chính những bong bóng giá đó là nguồn gốc tai họa cho nền kinh tế.
Do quá chăm lo hái lượm những trái dễ dàng, đến nay chúng ta giật mình nhận ra một điều: Tăng trưởng của mình toàn dựa vào các yếu tố sẵn có, vì vậy mà năng suất quá thấp. Trong kinh tế có khái niệm yếu tố năng suất tổng (TFP). Tạm hiểu là lấy tốc độ tăng trưởng GDP trừ đi tốc độ tăng trưởng vốn và tăng trưởng lao động, phần còn lại là TFP, bao gồm tất cả yếu tố: năng suất, công nghệ, tổ chức quản lý… TFP của Việt Nam thấp nhất trong khu vực và giảm dần trong những năm gần đây.
Chỉ còn DN có thể đảo ngược tình thế?
Trái dễ hái thứ tư chưa nhắc đến ở trên, đó là sự bùng nổ số lượng các DN kể từ khi khu vực kinh tế tư nhân được chính thức công nhận và đặc biệt từ khi ra đời Luật DN từ năm 2000. Tuy nhiên, từ năm 2008 thì hàng loạt DN đã lần lượt rời bỏ cuộc chơi do không trụ nổi trong khủng hoảng. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã xác nhận là năm 2014 số DN đóng cửa tiếp tục tăng so với năm trước và tình hình khó khăn của các DN là “rất đáng lo ngại”.
Có một di sản tồn đọng từ các nền kinh tế bao cấp, có thể tạm gọi là tư tưởng gia trưởng. Đó là trong mọi khó khăn người ta trông chờ vào sự giải cứu của Chính phủ. Và Chính phủ cũng tự nhận trách nhiệm đó. Cho đến một ngày trách nhiệm đó vượt quá năng lực của Chính phủ. Với nguồn ngân sách hạn hẹp, Chính phủ không thể mãi trợ giá cho thị trường. Với những cam kết hội nhập, Chính phủ không thể mãi bảo hộ cho DN.
Khi được hỏi liệu các DN có thấy TPP và EAC như nước đã đến chân hay không, một chuyên gia nổi tiếng đã nhận định: Dường như các DN vẫn tin là đến phút cuối thì Chính phủ sẽ ra tay giải cứu!
kinh-tế, Việt-Nam, năng-suất, tài-nguyên, khoáng-sản, lao-động, doanh-nghiệp-Việt-Nam,
Vậy còn trách nhiệm của DN? Đây là một vài con số minh họa:
Trong ASEAN, có rất nhiều chỉ tiêu Việt Nam đứng áp chót, chỉ hơn được Myanmar. Đó là chỉ tiêu về trình độ marketing, trình độ sản xuất, đầu tư đào tạo nhân viên, sẵn sàng tiếp thu công nghệ... Điều tồi tệ hơn là chúng ta đã và đang tụt hạng hằng năm. Dường như DN đã làm không tốt phần việc của mình?
Có thể nhiều DN mất lòng khi nghe những điều này. Nhưng có những điều chúng ta làm không đủ thì DN các nước lại tập trung cao độ. Họ đầu tư cho marketing để mở rộng thị trường và giá trị gia tăng. Họ đầu tư cho trình độ sản xuất để tăng năng suất và giảm giá thành. Họ đầu tư cho giáo dục, công nghệ… để chuyển từ nền kinh tế sản xuất lên kinh tế sáng tạo. Trong khi đó, giáo dục, công nghệ và sáng tạo là lại ba yếu tố Việt Nam bị xếp hạng thấp nhất.
Còn câu hỏi cho Chính phủ: Tại sao không có nhiều DN tâm huyết đầu tư căn cơ cho những yếu tố trên. Có phải môi trường kinh doanh đã đẩy các DN chạy theo các yếu tố “hái lượm”?
Trong một diễn đàn kinh doanh năm 2012, bà Mai Thanh, Chủ tịch của Cơ điện lạnh REE, đã được hỏi: Tại sao REE chạy đua kinh doanh bất động sản, dù đó không phải năng lực cốt lõi? Câu trả lời là: Chính cơ chế đã tạo ra cuộc chạy đua đó và ai không tham gia là thua thiệt.
Cơ hội lớn nhất có lẽ lại là điều giản dị nhất, đó là khi DN nhận thấy con đường duy nhất để thoát lên từ đáy là phải đầu tư căn cơ dài hạn cho năng lực cốt lõi: năng suất, công nghệ, quản trị, marketing… và hoàn toàn từ bỏ những ảo tưởng về trái ngon dễ hái.
Đó là khi Chính phủ tập trung vào môi trường kinh doanh để bảo đảm thành công đến với những DN đầu tư căn cơ, không phải là những DN đánh quả hay "hái lượm".
Bùi Văn (PLO)