0915.489.819

Thế hệ kỹ thuật số

Thế hệ kỹ thuật số
Thanh Hương
Thế hệ kỹ thuật số không hề thụ động với tin tức thế sự. 

Ảnh minh họa Internet
(TBKTSG) - Một nghiên cứu thực hiện trên giới trẻ độ tuổi từ 18-35 (còn gọi là Millennials hay thế hệ Y) do Viện nghiên cứu báo chí Mỹ, Trung tâm nghiên cứu NORC Đại học Chicago và hãng tin AP hợp tác thực hiện, để tìm hiểu những hành vi và thói quen với thông tin và báo chí của lứa tuổi được xem là thế hệ kỹ thuật số đầu tiên này.

Thế hệ kỹ thuật số có quan tâm thế sự không?

Đây là một nghiên cứu định tính thực hiện với giới trẻ, hay thế hệ kỹ thuật số, nhóm thanh niên từ 18-35 tại khu vực vùng Vịnh San Francisco, Chicago và Virginia, Mỹ vào tháng 1-2015.

Đối tượng nghiên cứu của khảo sát này, mà những người lớn tuổi nhất sinh năm 1980, là một thế hệ trọn vẹn lớn lên cùng với sự phát triển của Internet và kỹ thuật số. Từ lâu, đã có những lo ngại và nhận định rằng thế hệ này ít quan tâm đến “thế sự” hơn thế hệ “tiền kỹ thuật số”. Những lo ngại này đến từ những dữ liệu cho thấy thế hệ này ít đọc tin tức từ báo in hay các trang web, hay chương trình thời sự trên ti vi, mà dành phần lớn tập trung cho mạng xã hội và các hoạt động giải trí khác. Người ta lo ngại rằng thế hệ này ít quan tâm và hiểu biết về thế sự, tiếp nhận tin tức và các sự kiện một cách thụ động.

Tuy nhiên kết quả nghiên cứu này đã cho thấy thế hệ kỹ thuật số không hề thụ động với tin tức thế sự như người ta tưởng, ngược lại, đó là phần quan trọng trong cuộc sống của họ. Trong khi giới trẻ được sở hữu nhiều thiết bị kỹ thuật số (hơn 90% có điện thoại thông minh và một nửa có máy tính bảng), nhưng không phải lúc nào họ cũng kết nối (51% là luôn hoặc hầu như trực tuyến cả ngày). 69% đọc tin tức mỗi ngày ít nhất một lần, 49% nhiều lần. Động lực khiến họ trực tuyến thuộc về các trách nhiệm dân sự (như để trở thành một công dân tốt, để nắm thông tin và hành động cho một vấn đề xã hội mà họ quan tâm hay xác định thái độ trong vấn đề đó) khá cao, 74%; động lực để có kỹ năng giải quyết vấn đề khoảng 63%; và 67% là các yếu tố xã hội như chia sẻ với bạn bè...

Tìm thông tin từ nhiều nguồn và tìm kiếm theo chủ đề

Với những tin tức “đời sống”, giới trẻ có xu hướng dựa vào truyền thông xã hội cho mọi thông tin về giải trí, nhà hàng, văn hóa, âm nhạc, thời trang và chăm sóc sắc đẹp. Ba phần tư giới trẻ theo những chủ đề này ở ít nhất một trang mạng xã hội. Tuy nhiên, về tin tức, thông tin thời sự, giới trẻ lại dựa vào báo chí và truyền thông chính thống. Còn các trang có nội dung trực tuyến hay chuyên trang thì để tìm thông tin hướng dẫn về sản phẩm, lời khuyên hay hướng dẫn kỹ thuật, thông tin về các môn giải trí hay nghề nghiệp...

Thế hệ trẻ này vẫn xem chuyện theo dõi tin tức là điều quan trọng (85%). Tuy thế, hành vi tiếp nhận tin tức của họ đã hoàn toàn khác với các thế hệ trước đó. Họ có xu hướng không đi thẳng vào các trang web tin tức, đọc báo hay ti vi, mà chọn các trang mạng xã hội, đọc và tìm hiểu những ý kiến và góc nhìn khác nhau.

Khác với quan niệm cho rằng giới trẻ ngày nay chỉ xem những tin tức giải trí, tối ngày ăn chơi, thanh niên tiếp xúc với rất nhiều loại tin tức khác nhau, nhất là những tin tức thực tế có thể hữu ích cho họ. Họ quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau, từ thời sự cho đến đời sống, từ chính trị, tội phạm, đến kỹ thuật, thời trang, người nổi tiếng... Có đến 45% thanh niên cho rằng họ thường theo dõi khoảng năm chủ đề thời sự cùng một lúc.

Thanh niên cũng quan tâm đến những chủ đề tin tức mà bình thường họ không quan tâm, do bạn bè đưa ra hoặc trong bối cảnh ở các mạng xã hội hoặc được trao đổi trong các nhóm nhỏ, thông qua “chat” hay nhắn tin. Họ tiếp cận với tin tức từ các mạng xã hội hay các hình thức truyền miệng khác, sau đó họ tìm đến các trang tin tức chuyên nghiệp và dùng các công cụ tìm kiếm để tìm hiểu những sự việc liên quan đến tin tức đó.

Đó cũng là một xu hướng chung của giới trẻ, một hỗn hợp giữa lựa chọn ngẫu nhiên và tìm hiểu sâu hơn có định hướng.

Những người có tinh thần cầu tiến thuộc nhóm tìm kiếm tin tức nhiều hơn cả. Những lý do lớn nhất mà nhóm này cần tin tức là để nắm tình hình và để trở thành một công dân tốt hơn (66% và 52%), để nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp (63% và 46%), và để “hiểu chuyện” và trao đổi trên các trang mạng xã hội (52% và 41%).

Dữ liệu cho thấy khoảng một phần ba nhóm dưới 25 tuổi là cầu tiến, trong khi ở nhóm tuổi từ 25-35 có khoảng một nửa là cầu tiến.

Vai trò mạng xã hội và nhu cầu kết nối

Trong các cuộc thảo luận nhóm của nghiên cứu, những người trẻ cho rằng tin tức quan trọng với họ bởi vì chúng xuất hiện rất nhiều trên trang chủ mạng xã hội của họ, và họ cần biết về chúng, chúng giúp họ trở thành một thành viên của mạng xã hội. Ngoài ra, họ biết rằng kỹ thuật, và chính hành vi của thế hệ mình đang làm thay đổi thế giới, và họ háo hức muốn biết mình đang thay đổi thế giới như thế nào.

Facebook đứng đầu trong danh sách các mạng xã hội mà thanh niên tham gia. Ngoài ra, các trang như Youtube (83%), Instagram (50%) và các trang khác như Reddit cũng có số lượng lớn thanh niên tham gia. 47% người có dùng Facebook cho rằng xem tin tức là động lực lớn nhất để họ vào đó. Đến 88% thanh niên thường xuyên đọc tin tức trên Facebook, và khoảng một nửa là hàng ngày.

Trả tiền hay không trả tiền

Ngược lại với quan niệm là nhóm trẻ đòi hỏi mọi thứ trên mạng là miễn phí, nhiều người trả thuê bao cho nhiều thứ, nhưng chỉ phần nhỏ trong đó là trả cho tin tức thời sự. Họ không mặn mà trả tiền cho tin tức, vì cho rằng tin tức đã đầy rẫy trên Internet, khắp các mạng xã hội.
93% trả ít nhất một thuê bao dịch vụ nào đó, chỉ 40% trả tiền ít nhất một dịch vụ liên quan đến tin tức hay ứng dụng đọc tin tức nào đó. 55% trả tiền để tải, thuê hay xem trực tuyến phim hay show truyền hình trên iTunes, Netflix hay các dịch vụ trả tiền khác trong một năm qua.

Thú vị là, thế hệ kỹ thuật số này lại trả tiền cho các sản phẩm không kỹ thuật số nhiều hơn, ví dụ, khoảng 21% trả tiền cho tạp chí in, và 16% trả tiền cho báo in, tỷ lệ cao hơn trả tiền cho phiên bản kỹ thuật số của các ấn phẩm này.

“Mạng xã hội giúp tôi cập nhật tin tức hơn bất cứ hình thức nào”, cô Elsa 25 tuổi ở Chicago nói, “chỉ cần kéo màn hình một vòng trang chủ là có thể nắm được hết những câu chuyện chính đang diễn ra. Nếu tôi muốn tìm hiểu sâu hơn, tôi sẽ vào những trang có các nguồn đáng tin cậy”.

Khác với ý kiến cho rằng mạng xã hội là nơi chỉ phản ánh sự việc với những thái độ cực đoan, giới trẻ cho rằng đây là nơi đưa ra nhiều ý kiến đa dạng, có thể rất khác hoặc tương tự với quan điểm của họ. Đến ba phần tư cho biết họ tìm hiểu những ý kiến khác mình ít nhất vài lần, một phần tư nói họ luôn làm thế.

Dù tin tức không hẳn là lý do lớn nhất để giới trẻ vào Facebook, nhưng đó là hoạt động lớn nhất của họ ở đó.

Đối với nhiều người trẻ, mạng xã hội đã đưa lại cho họ nhiều tin tức mà nếu bình thường họ sẽ không chú ý tới. Tin tức là một phần lớn trong cuộc sống “kết nối” của họ.

Và chính sự kết nối, sự chia sẻ từ mạng xã hội, đến lượt nó lại thúc đẩy giới trẻ “tiêu thụ” tin tức nhiều hơn.

Thế hệ kỹ thuật số lớn lên cùng với internet và mạng xã hội, nên hầu hết không sợ hãi xu hướng này, không quá lo lắng về sự riêng tư, mà cho rằng đó là đặc trưng, và hơn hết, chính là cơ hội của thế hệ họ. Dĩ nhiên, cũng có những ý kiến cho thấy giới trẻ cũng muốn rời xa mạng xã hội do chiếm quá nhiều thời gian của họ, gây nghiện... Tuy nhiên, họ vẫn vào đó, đơn giản vì mạng xã hội còn là nơi giữ liên lạc với bạn bè, gửi tin nhắn, theo dõi những vấn đề quan tâm, nhận và chia sẻ tin tức, thảo luận về nó, giải trí, giúp họ biết những gì đang xảy ra trên thế giới và xung quanh... Tóm lại, đó là nơi tạo nên một cuộc sống kết nối của thế hệ kỹ thuật số.

Chắc chúng ta chưa quên rằng chính nhu cầu kết nối và chia sẻ của thế hệ này đã làm nên cuộc cách mạng kinh tế chia sẻ những năm gần đây, làm thay đổi những chuỗi cung ứng và cách kinh doanh truyền thống trong rất nhiều ngành. Vì thế, nếu doanh nghiệp muốn kinh doanh với họ, nếu muốn bán hàng cho thế hệ này, nhớ sống cùng những mối quan tâm của họ, và nhất là, nhớ kết nối với họ.