0915.489.819

Thau, chậu, ly... ngoại tràn vào

Thau, chậu, ly... ngoại tràn vào

NGUYỄN TRÍ - T.V.N. - N.BÌNH

 

TT - Nhiều doanh nghiệp cho biết hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng gia dụng, từ các nước ASEAN đang được nhập nhiều về VN, chiếm áp đảo so với hàng Việt tại các chợ cũng như siêu thị.
Khách hàng Đinh Thị Mỹ Linh chọn mua bánh kẹo Thái Lan tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long

Chỉ riêng tại TP.HCM hiện đã có đến hàng trăm công ty chuyên kinh doanh, vận chuyển hàng ngoại nhập. Với sự phát triển đó, phí vận chuyển và giá cả phân phối lại cũng mềm hơn, hàng hóa vì thế đến tay người tiêu dùng nhiều hơn.

Nhan nhản từ chợ đến siêu thị

Anh Trần Ngọc Để, đại diện một công ty chuyên vận chuyển hàng ngoại nhập tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết nhiều mặt hàng của Thái Lan được các công ty vận chuyển về TP.HCM bằng đường bộ với giá vận chuyển nhanh (bốn ngày) 60.000 - 70.000 đồng/kg, chậm (trên bảy ngày) là 50.000 - 60.000 đồng/kg tùy loại hàng.

Các nước như Malaysia, Indonesia, Singapore hàng chủ yếu được vận chuyển bằng đường hàng không với giá 8-9 USD/kg và đường biển 10.000 - 15.000 đồng/kg. Chỉ đứng sau hàng Trung Quốc (TQ), hàng Thái được nhập nhiều nhất là các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm và trang trí. Indonesia, Malaysia, Singapore hàng về VN ít hơn so với Thái Lan do chủ yếu là hàng điện máy, được vận chuyển bằng đường biển dài ngày.

“Nhờ các đầu mối bên Thái Lan bày bán rất nhiều mặt hàng nên chỉ cần một đầu mối khách hàng có thể mua hàng trăm món, nếu mua một sản phẩm khách hàng có thể tìm đến nơi sản xuất với giá rẻ hơn”- anh Để nhận định.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại siêu thị Big C (Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận), khu vực chuyên đồ thủy tinh như ly tách, đĩa chủ yếu là hàng ngoại nhập. Trong đó nhiều nhất vẫn là ly, bình thủy tinh có xuất xứ Thái Lan, trong đó chỉ riêng ly, bình thủy tinh thương hiệu O. có hàng trăm mẫu, giá từ 1.000 đồng đến trên 100.000 đồng / sản phẩm... Xen kẽ với hàng nhập chỉ có một vài sản phẩm mang thương hiệu VN với không gian bài trí khá đơn điệu.

Tại siêu thị Maximark (đường 3 Tháng 2, Q.10), các sản phẩm gia dụng ngoại nhập cũng khá phong phú. Tại lầu 1 siêu thị này, dù có rất nhiều kệ trưng bày hàng nhựa và thủy tinh gia dụng nhưng phải trên 80% có xuất xứ từ Nhật Bản, TQ, Thái Lan.

Tại siêu thị Co.op Mart hay Lotte, Big C nhiều loại đồ nhựa gia dụng xuất xứ Thái Lan như khay đá, khay làm đá, thau, chậu, tô nhựa, hộp đựng giấy ăn... đang dần thay thế nhiều mặt hàng TQ có giá rẻ hơn nhưng cũng ít được ưa chuộng hơn.

Nhãn hiệu đồ gia dụng, đặc biệt là máy xay sinh tố và nồi cơm điện hàng nhập cũng áp đảo hoàn toàn. Các sản phẩm có xuất xứ từ TQ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan tại đây phổ biến với các thương hiệu như Philips, Sharp, Panasonic... được trưng bán trên ba kệ với vài trăm sản phẩm xếp chật cả lối đi nhưng sản phẩm VN chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cũng tại Big C, ở gian hàng xoong nồi trong nước được bày bán nhiều nhưng quanh quẩn chỉ có một vài thương hiệu S. Chị Thanh Hằng, ngụ Q. Bình Thạnh, cho biết nhiều lúc muốn ưu tiên hàng nội cũng khó do tìm đỏ mắt mà không thấy mẫu mã cần dùng.

Không chỉ tại siêu thị, các cửa hàng bán lẻ cũng đang tràn ngập sản phẩm nhập ngoại. Tại cửa hàng điện máy Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh), hàng điện máy, nhà bếp gia dụng xếp chật lối đi, trong đó hàng ngoại nhập, đặc biệt là sản phẩm bếp từ, bếp hồng ngoại, nồi cơm điện chiếm ưu thế tuyệt đối so với hàng trong nước.

Theo một nhân viên bán hàng ở đây, hàng Malaysia và Thái Lan có giá thường cao hơn hàng VN nhưng vẫn được khách lựa chọn nhờ sự đa dạng, với chủ yếu là sản phẩm có xuất xứ từ các nước ASEAN.

“Nguồn hàng ngoại được các công ty nhập về bán lại hiện rất nhiều, chỉ riêng tại TP.HCM cửa hàng hiện có hàng chục đầu mối chuyên cung cấp hàng điện máy ngoại nhập” - cửa hàng điện máy Bà Chiểu nói.

Lo doanh nghiệp trong nước lạc hậu

Trong khi hàng nhập tỏ ra vượt trội hơn mọi mặt, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được nhu cầu bình dân, lợi thế giá rẻ. Tuy nhiên, về lâu dài đây không phải là yếu tố cạnh tranh bền vững.

Bà Huỳnh Thị Mỹ, tổng thư ký Hiệp hội Nhựa VN (VPA), cho biết điều đáng lo nhất đối với ngành nhựa trong nước, chủ yếu ở lĩnh vực nhựa gia dụng, là sự đa dạng và mẫu mã bắt mắt của sản phẩm nhập khẩu, nhất là Thái Lan.

“Dù doanh nghiệp trong nước cơ bản đã đánh bật được hàng Thái để chiếm lĩnh thị phần nhóm hàng trung bình khá trở xuống, nhưng nếu kinh tế phát triển hơn, đời sống người dân cao hơn, việc chuyển hướng lựa chọn sang dùng hàng nhập khẩu cao cấp là hoàn toàn có thể”- bà Mỹ phân tích.

Ông Cao Tiến Vị, tổng giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn (SGP), nói thậm chí trong khi ngành giấy tiêu dùng (tissue) trong nước còn ở tình trạng cung đang vượt cầu thì vẫn có một lượng giấy loại này được nhập khẩu vào VN, cho thấy hàng nhập đang được ưa chuộng như thế nào.

Từ năm 2007 đến nay, thuế không còn là vấn đề với ngành giấy vì nhiều dòng thuế đã giảm ngay khi VN gia nhập AFTA. Theo ông Vị, VN có hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất giấy các loại, nhưng thị trường nội địa vẫn thiếu hụt các nguồn cung trong nước để đáp ứng nhu cầu.

Năm 2015 tổng nhu cầu sử dụng giấy các loại của VN ước khoảng 6 triệu tấn, năng lực cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ khoảng 5 triệu tấn, phần còn lại phải nhập khẩu. “Nhưng trên 90% doanh nghiệp sản xuất giấy tại VN là quy mô nhỏ, lạc hậu, không xử lý môi trường hoặc chỉ đối phó nên khi áp dụng luật nghiêm túc sẽ bị hụt đi một phần sản lượng cung ứng”- ông Vị cảnh báo.

Trong số khoảng 300 doanh nghiệp đang sản xuất mặt hàng nhựa tiêu dùng hiện chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, đầu tư chuyên sâu, có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng khu vực các thành phố lớn.

Ở những vùng sâu vùng xa hoặc khu vực có mức sống thấp hơn, thị phần sẽ do doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ hoặc dạng cơ sở cung cấp sản phẩm.

“Nếu doanh nghiệp trong nước không nhanh chóng cải tiến mẫu mã, nâng cấp chất lượng nhiều chủng loại sản phẩm hơn thì việc người dân chuyển sang lựa chọn sản phẩm nhập khẩu với giá bán ngày một phù hợp mức sống của họ là điều có thể thấy được” - bà Mỹ nhận định.

Nhập hàng càng ngày càng dễ

Theo anh Trương Đình Trường - đại diện Công ty Mỹ Linh Nhi (Q.12, TP.HCM), công ty chuyên nhập khẩu hàng thủy tinh TQ và nhựa, inox Thái Lan về phân phối lại. Nhờ việc nhập hàng ngày càng dễ, thuế suất miễn giảm nên rất nhiều công ty nhảy vào lĩnh vực nhập khẩu về phân phối lại.

Bên cạnh đó, hàng nhập TQ vẫn đang được tiêu thụ nhiều vì thường có giá thấp hơn hàng trong nước, riêng hàng thủy tinh TQ có giá thấp hơn 20% so với hàng trong nước. Trong khi đó hàng nhựa Thái Lan dù giá cao hơn 10-15% hàng trong nước nhưng vẫn được nhập về số lượng lớn.

 

NGUYỄN TRÍ - T.V.N. - N.BÌNH

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150503/thau-chau-ly-ngoai-tran-vao/741263.html