0915.489.819

Siêu thị Việt liệu có phải 'bán mình' cho đại gia ngoại ?

(PL)- Các đại gia bán lẻ ngoại đổ bộ ồ ạt, siêu thị Việt đứng trước lựa chọn: Bán mình hoặc liên kết.

Tập đoàn Vingroup mới đây công bố mua lại 100% cổ phần của hệ thống siêu thị Maximark, Vinatexmart và Oceanmart.

Với sự hiện diện của Vingroup cùng với Saigon Co.op… có thể thấy số lượng các siêu thị Việt là không nhỏ. Nhưng siêu thị Việt liệu có là đối trọng với các tập đoàn bán lẻ ngoại “mạnh về gạo, bạo vì tiền”?

Siêu thị nội vùng vẫy

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, lý giải thương vụ mua Maximark nằm trong chiến lược tăng tốc mở rộng hệ thống bán lẻ Vingroup trên toàn quốc. Là thương hiệu Việt 100%, Vingroup sẽ hợp lực cùng các doanh nghiệp (DN) trong nước góp phần giữ vững thị phần cho hàng Việt và tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ nặng ký nước ngoài.

Tương tự, đại diện Saigon Co.op cho hay từ nay đến cuối năm sẽ mở thêm khoảng ba siêu thị, nâng tổng số siêu thị của hệ thống này lên 80. Đến năm 2016 sẽ tiếp tục mở thêm 6-8 siêu thị nữa.

Điều này cho thấy siêu thị Việt đang cố gắng “vùng vẫy” để trở thành người chơi chủ động trên chính sân nhà, không phải “gả bán” cho các đại gia ngoại.

Trên thực tế, sau khi mua lại hệ thống siêu thị Maximark, Vinatexmart, Oceanmart…, VinRetail thuộc Vingroup trở thành nhà bán lẻ lớn với hàng trăm siêu thị phủ khắp cả nước. Các nhà bán lẻ khác như Saigon Co.op cũng đang có những bước đi để đa dạng hóa các mô hình bán lẻ. Chẳng hạn, ngoài hệ thống siêu thị Co.opmart còn có các cửa hàng Co.op Food, Co.op Extra Plus và đặc biệt là trung tâm mua sắm hiện đại như SC Vivociy với mạng lưới ngày càng mở rộng.

Các nhà bán lẻ tăng tốc mở rộng mạng lưới phân phối. Ảnh: TÚ UYÊN

Đại gia ngoại tăng tốc

Trong số các DN Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, Lotte Mart được xem là một trong những tập đoàn có sức đầu tư mạnh mẽ nhất và đang dẫn đầu trong một số lĩnh vực, đặc biệt là với các mô hình bán lẻ. Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam Hong Won Sik nhận định Việt Nam là thị trường bán lẻ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Vì vậy tập đoàn muốn đầu tư mạnh mẽ hơn với mục tiêu đến năm 2020 mở 60 siêu thị và hiện nay đã mở 11 siêu thị tại Việt Nam.

Aeon Việt Nam cũng nhìn nhận tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam rất lớn, do vậy đến năm 2020 dự kiến sẽ mở 20 siêu thị nữa. Thực tế thời gian qua Aeon đã hợp tác với Citimart khi nắm giữ 49% cổ phần và nắm giữ 30% cổ phần của siêu thị Fivimart…

Tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) mới đây đã ký kết hợp tác chiến lược với một DN trong nước để mở chuỗi siêu thị Simply Mart tại Hà Nội và TP.HCM. Một số chuyên gia nhận định sự kiện này có thể là bước đi của tập đoàn ngoại trong việc thâu tóm siêu thị nội để giành thị phần.

“Kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của chuỗi phát triển. Riêng ở bốn TP là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ, kênh hiện đại đóng góp khoảng 18% tổng tiêu dùng FMCG-chỉ tính tiêu dùng trong nhà, không bao gồm quà tặng. Điều này cho thấy thị trường bán lẻ còn nhiều tiềm năng để khai thác” - ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc kinh doanh phát triển Kantar Worldpanel, nhận định.

Nhà bán lẻ đi trước, hàng ngoại theo sau

Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến nói trước đây đã từng khuyến cáo các DN Việt không nên coi thường bán lẻ, bởi thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân, dù kinh tế còn khó khăn nhưng sức tiêu dùng lớn và liên tục tăng trưởng. Đây là cơ hội lớn. Mặt khác kinh doanh cơ hội cũng là dạng thức kinh doanh hiệu quả cao nên không lạ gì với việc mua bán - sáp nhập đang diễn ra sôi động.

Nhưng điều đáng lo là các siêu thị nội dường như đang yếu thế dần so với đối thủ ngoại mạnh về tài chính, giàu kinh nghiệm bán lẻ và có hệ thống phân phối trên toàn cầu. Thoạt nhìn số lượng siêu thị Việt lên đến hàng trăm, cứ tưởng đó là đối trọng với tập đoàn bán lẻ ngoại. Song theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, việc siêu thị Việt có trở thành đối trọng với tập đoàn bán lẻ nước ngoài hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

“Điều quan trọng là hiệu quả kinh doanh. Trong đó có doanh số trên từng mét vuông mặt bằng bán lẻ, mức độ nhận diện thương hiệu trên thị trường, sự tin cậy của người tiêu dùng… chứ không chỉ là số lượng” - bà Loan phân tích.

Cùng chung góc nhìn, chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến nói nếu nhìn cắt ngang tức thời vào số lượng siêu thị của Việt Nam đừng chủ quan cho rằng siêu thị Việt có thể là đối thủ với tập đoàn bán lẻ ngoại. “Khi nhìn vào những mục tiêu đề ra, nguồn lực, năng lực, khả năng thích ứng với sự thay đổi và phát triển,... mới biết có mạnh hay không; đi được bao xa” - ông Chiến phân tích.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nguy cơ lớn nhất, thách thức lớn nhất trong cuộc đổ bộ của các đại gia bán lẻ ngoại vào thị trường bán lẻ là bóp chết mảng sản xuất của Việt Nam. Bởi thực tế cho thấy khi các nhà bán lẻ nước ngoài nắm quyền quản lý thì hàng hóa nhập khẩu hoặc các nhãn hàng riêng của họ cũng sẽ “đi theo” vào hệ thống siêu thị. Thậm chí không loại trừ khả năng họ từng bước loại hàng Việt ra khỏi hệ thống siêu thị để đưa hàng nước họ vào.

Khi đó hàng nội sẽ không còn đất sống. Tiêu thụ không được, nhà sản xuất trong nước cũng chết theo. Trong khi đó hàng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… lên ngôi, thống lĩnh thị trường.

Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng siêu thị Việt đứng trước sự lựa chọn “sinh tử”: Bán mình hoặc liên kết với nhau. “Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam mong muốn các thành viên liên kết hợp tác với nhau để tăng sức cạnh tranh trên thị trường” - bà Loan khuyến cáo.

Cùng quan điểm trên, ông Chiến nói siêu thị nội nếu không muốn bị đè bẹp thì phải liên kết, liên doanh với nhau là cần thiết. Bởi liên doanh là một trong những cách làm để học hỏi và phát triển khi mình yếu.

“Siêu thị Việt cũng nên học hỏi kinh nghiệm một số nước như Hàn Quốc, Nhật, Campuchia,… khi liên doanh hợp tác. Đồng thời tích cực học hỏi về chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tích lũy vốn… nhanh để có thể tự đứng vững và giành thế chủ động” - ông Chiến nói.

TÚ UYÊN 

 

Còn nhiều khoảng trống

Các tập đoàn bán lẻ hùng mạnh nước ngoài xem Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng. Bằng chứng là trong thời kỳ 2014-2015, bán lẻ và hàng tiêu dùng là xu hướng chủ đạo của các thương vụ mua bán - sáp nhập, chiếm 36% tổng giá trị các thương vụ của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, thị phần kênh hiện đại hiện mới chỉ chiếm khoảng 20%. Điều này cho thấy thị trường này vẫn còn nhiều khoảng trống.

Hiện nay ở Việt Nam có 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị gồm của nước ngoài và trong nước. Dự kiến đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 180 trung tâm thương mại, 1.200 siêu thị.