0915.489.819

QUẢN TRỊ: Phương diện ĐẠO LÝ của nhà quản trị hiện đại

Một trong những teamwork vĩ đại nhất trong lịch sử đó là thầy trò Đường Tăng. Lúc khởi hành, chỉ có một mình Ngài. Trên hành trình, Ngài thu nạp thêm các đệ tử là những bậc anh tài đang sa cơ lỡ vận. Nhưng, nếu Ngài không vạch ra con đường đến Tây Trúc với thành quả áo cà sa cũng như sự từ tâm của mình, liệu họ có xả thân đồng hành? Ngài đích thực là một nhà quản trị siêu phàm về đạo lý, dẫu có không ít sai lầm!

Trong doanh nghiệp cũng vậy, nếu cấp dưới không thấu hiểu doanh nghiệp sẽ đi về đâu với thành quả nào và sự chính trực của nhà quản trị thì không bao giờ cống hiến hết mình. Trong một thế giới thay đổi nhanh, cạnh tranh khốc liệt, phương diện đạo lý của nhà quản trị càng trở nên quan trọng hơn. Thực hư thế nào?

Tổng đốc doanh nghiệp:
-   Tại sao Đường Tăng không đi thỉnh kinh một mình để hưởng trọn công trạng?
Nhà Tư vấn sáng tạo:

-   Một mình Ngài không kham nổi sứ mệnh thỉnh kinh nên phải kiếm thêm người (đệ tử) và vật (ngựa) để cùng thực hiện. Dĩ nhiên, Ngài cũng phải san sẻ vinh quang với đệ tử của mình, ít nhất là chiếc áo cà sa cao quí khi cuộc chơi kết thúc. 

-   Chủ doanh nghiệp phải thuê mướn nhân viên để cộng sinh thực hiện sứ mệnh của doanh nghiệp. Trong đó, nhà quản trị khác với lính trơn ở chổ dẫn dắt cấp dưới của mình hướng đến mục tiêu đã đề ra. Với nhà quản trị cấp trung còn bị dẫn dắt bởi nhà quản trị cấp cao hơn. Nhà quản trị luôn gặp phải bao điều nan giải khi dẫn dắt teamwork. 

Tổng đốc doanh nghiệp:
-   Nếu không phải thỉnh kinh mà là đi câu cá ven sông, liệu Ngài có thể thuyết phục được những đệ tử phi phàm như Tề Thiên, Bát Giới, Ngộ Tịnh?
Nhà Tư vấn sáng tạo:
-   Chắc là không! Cuộc chơi câu cá bèo bọt nên mấy tay phi phàm này chẳng quan tâm đâu. Rõ ràng, việc hoạch định cuộc chơi sang Tây Trúc thỉnh kinh đủ hay, đủ hấp dẫn để quyến rũ đệ tử đồng hành.
-   Tùy mục tiêu, ý nghĩa giá trị đạo lý mà nhà quản trị có thể rủ rê, quyến rũ,... để tự với tâm thức tương xứng như tiền nhân huấn thị Ngưu tầm Ngưu, Mã tầm Mã vậy.

-   Đường Tăng là một nhà quản trị có đạo lý vì đã vạch ra được một con đường đáng giá để qui tụ cộng sự đồng hành thực hiện.
-   Một trong những điểm yếu của chủ doanh nghiệp là không tạo ra được cuộc chơi để nhân viên chơi cùng. Nhiều chủ doanh nghiệp xem nhân viên là “thợ vịn” cho sự nghiệp của mình trong chốc lát chứ không là người chơi cùng.
-   Khía cạnh thứ nhất của đạo lý là nhà quản trị phải hoạch định một con đường hướng về tương lai cho teamwork.
Tổng đốc doanh nghiệp:
-   Giả sử sau khi thu phục các đồ đệ, Đường Tăng bỗng dưng đổi tính đổi nết giống như Lý Thông thì công cuộc thỉnh kinh sẽ ra sao?
Nhà Tư vấn sáng tạo:
-   Rất có thể Đường Tăng bị yêu quái cưỡng hôn hay bị ăn thịt để trường sinh bất lão. Tề Thiên về Hoa quả sơn vui thú điền viên. Bát Giới cưới năm thê bảy thiếp rồi mở nhà hàng thịt chó. Ngộ Tịnh thì xin đi làm công nhân trong khu công nghiệp. Ngựa Bạch Long thì chạy sang thảo nguyên Mông Cổ phò đại ca Thành Cát Tư Hãn. Còn kinh kệ thì chẳng bao giờ về được với nhà Đường.

-   Trong doanh nghiệp, nhân viên luôn tự nhủ: một nhà quản trị với tâm tính như Lý Thông liệu có đáng để phò? Những người không may gặp phải nhà quản trị không có đạo lý khi chết xuống âm phủ đều tâm đắc với những dòng thơ ai oán bi thương sau đây.

Tổng đốc doanh nghiệp:
-   Phải chăng Đường Tăng không phạm sai lầm nào về đạo lý?
Nhà Tư vấn sáng tạo:
-   Vẫn phạm như thường vì Ngài là một con người chứ chẳng phải thánh nhân! Chẳng hạn, không ít lần Ngài hắt hủi xử tệ với Tề Thiên. Nhưng đó là hệ quả của việc Ngài hành đạo lý cho dù đối tượng hành đạo là yêu quái.
-   Một ví dụ khác, khi đi qua sông Thông Thiên, cụ rùa nhờ Ngài gởi lời thỉnh cầu đến Phật Tổ Như Lai về chuyện con cháu của cụ bị sát hại. Thế nhưng, Ngài quên mất lời hứa nên khi trở về, lúc qua sông cụ rùa tức giận lặn mất tăm làm thầy trò Đường Tăng một phen ướt sũng.

-   Tuy nhiên, khác với nhiều nhà quản trị trong thời computer, Ngài không cố ý quên! 

Tổng đốc doanh nghiệp:
-   Ngoài cấp dưới, đạo lý của nhà quản trị còn thể hiện với những đối tượng nào khác?
Nhà Tư vấn sáng tạo:
-   Không chỉ với cấp dưới, nhà quản trị còn thể hiện đạo lý đối với khách hàng, cổ đông, đối tác, cộng đồng,... thậm chí với đối thủ không đội trời chung.
-   Khía cạnh thứ hai của đạo lý là nhà quản trị ứng xử chính trực với nhân viên và các đối tượng khác.

Tổng đốc doanh nghiệp:
-   Trong một thế giới thay đổi rất nhanh trên nhiều phương diện, yếu tố đạo lý ảnh hưởng như thế nào?
Nhà Tư vấn sáng tạo:
-   Môi trường kinh doanh thay đổi ngày càng nhanh nên doanh nghiệp cũng phải thay đổi nhanh để thích ứng. Mặt khác, khi doanh nghiệp có sự thay đổi thường dẫn đến sự thay đổi lợi ích của nhóm này hay nhóm khác.

-   Nói cách khác, trên cả hai phương diện con đường và ứng xử của đạo lý đều bị tác động mạnh bởi môi trường kinh doanh. Do đó, phương diện đạo lý của nhà quản trị ngày càng trở nên quan trọng. 

-   Phương diện con đường của đạo lý liên quan đến Thức, còn phương diện ứng xử của đạo lý liên quan đến Tâm. Cả hai mặt Tâm và Thức đồng hành với nhau cho sự thành công của nhà quản trị.

Tổng đốc doanh nghiệp:
-   Làm thế nào để gia tăng nội công về đạo lý?
Nhà Tư vấn sáng tạo:
-   Có rất nhiều cách khác nhau. Nhưng muốn nhanh và hiệu quả có thể tham dự khóa học Nhà Quản trị Tam lý - Hiệu năng cao (link).
-   Còn bây giờ hãy xem và suy ngẫm những hình sau về phương diện đạo lý đối với nhà quản trị.

Câu hỏi gợi mở sáng tạo:
1.    Đề xuất 101 ý tưởng về phương diện con đường của đạo lý đối với cấp dưới.
2.    Đề xuất 1.000.001 ý tưởng về phương diện ứng xử của đạo lý đối với cấp dưới.
3.    Đề xuất 101 ý tưởng về phương diện con đường của đạo lý đối với cấp trên.
4.    Đề xuất 1.000.001 ý tưởng về phương diện ứng xử của đạo lý đối với cấp trên.
5.    Đề xuất 101 ý tưởng về phương diện con đường của đạo lý đối với khách hàng.
6.    Đề xuất 1.000.001 ý tưởng về phương diện ứng xử của đạo lý đối với khách hàng.

Lý Trường Chiến Trần Ngọc Truyền