Tam nghiệm (Trải nghiệm - Chứng nghiệm - Chiêm nghiệm), Tam Tin (Tin vào mục tiêu tốt đẹp, Tin chính mình và luôn hoàn thiện, Tin đồng sự để đạt mục tiêu), Tam Cấp (Việc cần qua ba cấp: Thô, Bán tinh và Tinh), Tam làm (Làm quen, Làm thân rồi cùng Làm việc) là triết lý trong chuỗi tháp tái cấu trúc vừa sâu sắc, vừa dí dỏm dễ nhớ của ông Lý Trường Chiến.
Ông Lý Trường Chiến là chuyên gia cao cấp về Tư vấn tái cấu trúc - Quản trị chiến lược và phát triển nguồn nhân lực. Ông được những người yêu quý gọi là ông già Noel, Hồng Thất Công hay Châu Bá Thông vì tính giản dị, vui vẻ và rất yêu trẻ. Ông đã đạt 16 giải thưởng Khoa học Kỹ thuật TP.HCM và Quốc gia; 1 giải thưởng Khoa học Thanh niên; 1 huy chương sáng tạo; 1 huy chương vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em; 1 huy chương vì sự tiến bộ phụ nữ; 1 huy chương vì sự nghiệp khuyến học... cùng một số thành tích, giải thưởng quốc tế, là điển hình Marketing - Sale & phát triển đội ngũ...
Tiềm năng, khả năng, kỹ năng, tài năng
Ông có nghĩ cụm từ TÁI CẤU TRÚC lạ với nhiều người không?
Nghe lạ nhưng nó diễn ra mỗi ngày trong cuộc sống, của tự nhiên và của chính từng người, là cơ sở của tiến hóa, là động lực phát triển. Tôi nghĩ có nhiều cái người ta thấy lạ không có nghĩa là người ta chưa hề thấy, mà vì người ta không để ý đến, trải mà không nghiệm.
Ông có biết có bao nhiêu người làm công việc tái cấu trúc như ông ở Việt Nam không?
Làm thụ động thì vô số, chủ động thì ít hơn. Làm tái cấu trúc chiến lược, tái cấu trúc doanh nghiệp và hệ thống lại càng ít.
Vì sao?
Ít vì ít người để ý, mặt khác làm nó cần "niềm tin và vất vả vô cùng".
Tôi đã, đang và tiếp tục chủ động tái cấu trúc chính mình.
Cái ông nói "vất vả vô cùng" chính là cái tự tái cấu trúc không ngừng? Bản thân ông cũng phải tái cấu trúc chính mình nhiều và chất lượng hơn thì mới "bán" được tái cấu trúc cho người khác chứ?
Ý kiến này của chị rất đúng! Tôi đã, đang và tiếp tục chủ động tái cấu trúc chính mình. Vất vả! Công việc này cũng gần giống làm bác sĩ cho con người vậy (cười). Chúng tôi tư vấn, huấn luyện, chia sẻ và truyền thông giúp những người quan tâm phát hiện được tiềm năng của cá nhân - tổ chức của họ, đánh thức Tiềm năng thành Khả năng, rèn luyện thành Kỹ năng, rồi giúp họ đưa các yếu tố riêng có cùng nhiệt huyết, say mê... vào thành Tài năng.
Tâm mở & Thức trống
Nhưng bác sĩ có kê nhầm thuốc thì còn dễ phát hiện, chứ tái cấu trúc của ông kê đơn cho người ta mà nhầm thì có phát hiện được không? Có khi lúc phát hiện ra thì "chả còn gì để mất". Vậy phải có nguyên tắc gì đó cho việc này chứ?
Với tôi, con người là quan trọng nhất! Để tránh rủi ro tôi thường chân thành chia sẻ cùng các thân chủ và cộng sự của mình nguyên tắc: Vấn đề nào cũng có Giải pháp! Giải pháp nào rồi cũng có Vấn đề (cười) mà Sự phát triển đến từ việc liên tục tìm ra và thực hiện giải pháp cho vấn đề mới với Tâm mở và Thức trống.
Vậy có nghĩa là Tâm - Thức phải luôn đi tìm Giải pháp cho Vấn đề?
Đúng vậy! Người ta lớn nhờ phát triển Tâm và Thức. Tâm cần mở để thể hiện, trao và nhận tình cảm vì chúng ta là con người. Thức cần trống để "còn chỗ" tiếp nhận, tư duy, suy nghĩ chuyển Thông tin thành Kiến thức... luôn làm mới, làm giàu kiến thức từ đó, chọn lựa, ứng xử phù hợp với cuộc sống, tạo ra giá trị, ý nghĩa và sự phát triển.
Vâng, còn nguyên tắc thứ hai?
Thứ hai: Như một bác sĩ tốt luôn khám, đưa ra phác đồ điều trị, kê toa, hướng dẫn bệnh nhân tham gia điều trị và chăm sóc bệnh nhân, sau khi đã hỏi, tìm hiểu, xét nghiệm... với sự quan tâm và tình thương yêu chứ không hồ đồ đưa ngay toa đã trị cho nhiều người cho một bệnh nhân mới. Chuyên gia tái cấu trúc chân chính, có năng lực cần làm khảo sát nội bộ về nhân lực, tài lực, vật lực của doanh nghiệp, nghiên cứu cơ hội, rủi ro trong thị trường kinh doanh và khách hàng mục tiêu... để có những thành tố cần thiết cho việc tái cấu trúc chiến lược. Không chỉ năng lực, trách nhiệm, chuyên gia tái cấu trúc cần có tình thương yêu, dám xả thân cùng doanh nghiệp khi khó khăn nguy hiểm.
Một câu hỏi có thể ngớ ngẩn, nhưng tại sao doanh nghiệp không tự làm những việc đấy, họ phải hiểu nhân lực, vật lực, tài lực của chính họ hơn người ngoài chứ?
Những cái quá quen thuộc dễ làm người ta chủ quan, coi thường. Mọi thứ đều biến đổi không ngừng, cái mình biết luôn ít hơn cái mình chưa biết, cái mình chưa biết thì người khác, đặc biệt là các chuyên gia, bác sĩ... thậm chí cả nhân viên mình có thể biết. Hỏi để biết cái mình chưa biết luôn đem lại kết quả tốt hơn hay ít nhất sẽ kiểm soát được mọi việc tốt hơn.
Phải là Người Biết
V
ậy thì xem ra, Người Thông Minh thôi chưa đủ, phải là Người Biết, phát triển cái Biết để nâng tầm? Ông chọn nhân viên là người thông minh hay người biết nhiều?
Thông minh là cần nhưng chưa đủ. Còn cần nữa là Tâm hướng Thượng, hướng Thiện và Truyền thông tích cực để người khác hiểu, cảm, tin và ủng hộ. Cần lắng nghe tư vấn, tự vấn chính mình để hiểu Sâu, hành Sắc, liên tục nâng Tầm. Do vậy tôi tuyển người liên tục học hành, hoàn thiện từ trường đời chứ không chỉ là giỏi ở trường học. Cần cù kết hợp suy nghĩ tích cực sẽ cho ta cách làm việc thông minh!
Có thể hiểu nôm na thế này không: Một doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, họ sẽ tìm đến ông để ông tìm cách tái cấu trúc lại cho họ, khôi phục lại kinh tế cho họ?
Hiểu là doanh nghiệp đang có vấn đề "đau đầu" trong quản trị thì đúng hơn là thua lỗ, vì thua lỗ là bệnh đã phát ra rồi, vẫn sẽ làm, nhưng là giải quyết khủng hoảng còn tái cấu trúc nên làm lúc còn đang có vấn đề đau đầu, đó là những dấu hiệu trước khi bệnh bộc phát.
Một người làm sếp, liệu khi có vấn đề, ông ta có dám đến chỗ ông để nhờ cậy không? Như thế khác nào tự thừa nhận mình yếu kém, ít nhất là yếu kém hơn ông?
Doanh nghiệp Việt Nam thường chủ quan, do lớn lên trong nền kinh tế phát triển quá nóng nên dễ ngộ nhận năng lực thật, lại có tâm lý "ăn xổi" nên thường gặp kết quả "ở thì". Để tái cấu trúc thành công cần bắt đầu và kiên trì thay đổi từ ông chủ, tiếp đến mở rộng đến các thành viên liên quan trên nguyên tắc "trân trọng quá khứ, hết mình với hiện tại và hướng đến tương lai". Bảo mật thông tin là nguyên tắc đạo đức hàng đầu của nhà tư vấn chuyên nghiệp!
Công việc của ông, tôi có thể ví như một món hàng hóa không? Và ông bán món hàng này cho những doanh nghiệp đang có vấn đề. Nhưng vấn đề là ở chỗ những doanh nghiệp của Việt Nam có dám mua món hàng lạ như thế không? Câu hỏi của tôi là ông bán nó cho ai?
Nếu từ góc độ thương mại thì xem như hàng hóa, nhưng sẽ khác nhiều so với hàng hóa thông thường vì cần niềm tin, do vậy không thể mua hay bán như hàng hóa thông thường. Khách hàng của tôi khoảng 1/3 là thương nhân nước ngoài và 2/3 là ông chủ Việt Nam.
Cuộc sống, là cần nhau...
Tôi nghĩ thật khó để đong, đo, so được, bởi như ông đã nói, cái Biết không giống nhau ở mỗi người và cái xử lí cái Biết ở mỗi người chắc chắn không ai giống ai, vậy thì ở một sự việc nào đó, anh nhân viên có thể lại thông minh hơn sếp?
Nếu quá tập trung vào chuyện hay dở, đúng sai, hơn kém, sếp lính... thì sẽ quên mất mục tiêu, thời gian và nhiều điều quan trọng khác dẫn đến kém hiệu quả hay thất bại. Vì thế, đừng đặt vấn đề ai hơn ai, vì cuộc sống của con người luôn có tính xã hội cao, chúng ta cần có nhau! Như tình yêu vậy (cười).
À vâng, "sỏi đá cũng cần có nhau" mà!
Tôi thường chứng minh với mọi người là tôi không thông minh bằng họ, vì thế hệ của tôi chưa có muối i ốt, tôi lại không ăn đồ biển nên về thông minh các cộng sự của tôi chắc sẽ hơn tôi, do vậy họ cần chứng minh điều đó với tôi qua thực tế mỗi ngày (cười hóm hỉnh).
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Việt Nga (thực hiện)