0915.489.819

Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm nhiệm vụ

Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm nhiệm vụ
Thủy Triều

NHNN sẽ có thêm nhiệm vụ ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính.

 

Ảnh: Uyên Viễn


(TBKTSG Online) - Nghị định 156/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành thay thế nghị định 96/2008/NĐ-CP đã quy định thêm nhiều nhiệm vụ hơn cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Phần nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN được nêu trong nghị định mới có hiệu lực thi hành vào ngày 26-12-2013 là 34 điều, trong khi nghị định cũ chỉ đề cập 26 nhiệm vụ và quyền hạn của NHNN.

Cụ thể, NHNN sẽ có thêm nhiệm vụ quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách kế hoạch phòng, chống rửa tiền; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước; và xây dựng chỉ tiêu lạm phát hàng năm để trình Chính phủ.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, NHNN sẽ có thêm nhiệm vụ là ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính được quy định trong điều 19 của nghị định mới. Nhiệm vụ này bao gồm tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình tiền tệ, tài chính, cũng như đề xuất các biện pháp ngăn ngừa rủi ro có tính hệ thống trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính, đồng thời xây dựng chính sách, biện pháp ứng phó với khủng hoảng, đảm bảo ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng, tài chính.

Như vậy, công tác dự báo và đề phòng khủng hoảng đã được cụ thể hóa thành một nhiệm vụ của NHNN trong nghị định mới. Do vậy với nhiệm vụ mới này, cơ cấu tổ chức của NHNN đã có thêm Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính, một bộ phận mà trước đây chưa có. Ngoài ra, trong cơ cấu của NHNN được quy định trong nghị định mới lần này có thêm Học viện Ngân hàng, và trường Đại học Ngân hàng TPHCM được xác định là đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của NHNN.

Do có thêm nhiệm vụ, NHNN đã được thêm quyền hạn đó là được quyết định áp dụng biện pháp xử lý đặc biệt đối với tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng, bao gồm việc mua cổ phần của tổ chức tín dụng, đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng, cũng như ra quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tín dụng, đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Bên cạnh đó, NHNN có thể thi hành việc phá sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận định rằng nghị định mới này nhằm làm rõ ra các mục tiêu, nhiệm vụ của NHNN. "Những nhiệm vụ này thực tế NHNN đã làm từ trước đến nay rồi và có quy định trong Luật NHNN, nghị định này chỉ cụ thể hóa hơn, làm rõ hơn thôi", ông nói.

Ông cho biết các nghiên cứu trên thế giới đã ủng hộ một mô hình ngân hàng trung ương độc lập với Chính phủ và ít mục tiêu, trong đó mục tiêu chủ đạo là kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, NHNN của Việt Nam vẫn chưa độc lập và phải thực hiện nhiều mục tiêu.

"Trong nghị định mới này, tính chất không độc lập của NHNN, và tính chất đa mục tiêu vẫn như vậy, chỉ có điều trong cái không độc lập thì nghị định chỉ rõ ra NHNN được làm cái gì, và trong cái đa mục tiêu đó thì từng mục tiêu được cụ thể hóa hơn", ông Thành nói.

Nói chung, ông Thành cho rằng khung thể chế vẫn giữ nguyên, và Chính phủ đã làm cái mà Chính phủ cho là tốt nhất, đó là cụ thể hóa chức năng nhiệm vụ của NHNN trong cái khung thể chế đã được áp đặt. Điều này cũng phần nào là điểm tích cực, theo ông Thành.

 

Theo thesaigontimes