Ông Nguyễn
Anh Tuấn – Giám đốc điều hành Adtima đã chia sẻ những bài học khá thú vị
trong quá trình thực hiện các chiến dịch mobile marketing cho
Coca-Cola, Lazada…
Adtima vừa được Hiệp hội mobile marketing toàn cầu (MMA) bình chọn là
công ty truyền thông di động thành công nhất (Agency of the year) năm
2015 cùng 18 trên tổng số 42 giải tại The Smarties – giải thưởng quốc tế
uy tín trong lĩnh vực quảng cáo trên di động.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc điều hành Adtima thì
trước khi thực hiện được các chiến dịch gây tiếng vang lớn cho các
khách hàng như Coca-Cola, Lazada… đơn vị này đã trải qua không ít sai
lầm và rút ra nhiều bài học đắt giá.
Làm sao để sản sinh đơn hàng từ mobile marketing?
Khi thực hiện mobile marketing nói riêng cũng như các chiến dịch
quảng cáo nói chung, thông thường các doanh nghiệp quan tâm đến độ phủ
hoặc số lượng truy cập (traffic). Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay,
nhiều công ty còn mong muốn nhiều hơn thế. Họ đặt ra câu hỏi cụ thể: sẽ
có bao nhiêu đơn hàng chạy về công ty sau chiến dịch quảng bá. Nói cách
khác làm sao để sản sinh ra đơn hàng từ hoạt động tiếp thị trên di động?
Lazada là đơn vị đặt ra đề bài đó với Adtima. Khi nhận được yêu cầu
từ phía khách hàng, đội ngũ Adtima đã khá tự tin vì sở hữu sức mạnh nền
tảng từ Zalo - ứng dụng OTT với hơn 35 triệu khách hàng, trong đó đa số
là trên 22 tuổi, có thu nhập ổn định - cùng hệ sinh thái đi kèm như
Baomoi, Zing Mp3, Zing.vn, Zing TV. Tuy nhiên, kết quả chạy thử nghiệm
cho thấy, số lượng đơn hàng là rất thấp. Người dùng chỉ có xem quảng cáo
chứ không mua hàng. Thậm chí xem quảng cáo trên di động nhưng quay sang
mua hàng trên website, thay vì trên ứng dụng (app).
Ông Tuấn chia sẻ rằng thời gian đó đội ngũ Adtima cảm thấy vô cùng
stress với kết quả của chiến dịch và ngay lập tức tiến hành tìm hiểu
nguyên nhân. Bài học rút ra, thứ nhất, người dùng thấy thông tin từ Zalo
nhưng mua hàng trên phiên bản PC của Lazada. Nói cách khác, người dùng
Việt chưa có thói quen mua sắm trên di động, do vậy chiến dịch thực hiện
trên nền tảng di động chưa đạt mục đích. Thứ hai, chiến dịch đơn thuần
“thông báo” tin tức khuyến mãi, nhưng không mang lại lợi ích đặc biệt
nào cho người dùng.
Từ kinh nghiệm đó, chiến dịch thứ hai được triển khai. Kết quả, lượng
đơn hàng đã tăng gấp 30 lần. Quan trọng hơn, chiến dịch của Lazada trên
Zalo đã thay đổi hành vi người dùng, khiến họ bắt đầu mua sắm trên di
động, thay vì chỉ PC.
Người dùng của Zalo chỉ người dùng chỉ “xem” thông tin về Lazada chứ không “mua”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn tiết lộ rằng, Adtima và Lazada chỉ tung những mã
số (code) khuyến mãi, giảm giá dành riêng cho người dùng di động và kết
quả của chiến dịch thay đổi hoàn toàn. Khoảng cách từ thất bại đến thành
công đôi khi chỉ đi qua những thay đổi rất nhỏ, nhưng cần phải có kinh
nghiệm mới ngộ ra được. Hiện nay, Adtima đang khá tự tin trong việc
triển khai các chương trình quảng cáo, tiếp thị cho các doanh nghiệp vừa
và nhỏ, kể cả việc cam kết đơn hàng phát sinh.
Tại The
Smarties 2015, “Thảnh thơi mua sắm” giành giải vàng ở hạng mục chiến
dịch sử dụng mobile marketing tạo ra khách hàng tiềm năng và đẩy doanh
số.
Phần lớn người dùng Việt Nam sử dụng smartphone cấu hình thấp
Nếu không nắm rõ về hạ tầng, đường truyền Internet hay thói quen sử
dụng thiết bị di động (smartphone, tablet) của người dùng, nhiều khả
năng sẽ thất bại dù ý tưởng hay. Trường hợp chiến dịch “Trao Coca-Cola,
trao cảm xúc” là một ví dụ.
Điểm nhấn của chiến dịch là bộ sticker cá nhân hóa đầu tiên tại Việt
Nam, do Coca-Cola hợp tác với Zalo. Ý tưởng tạo ra bộ sticker cho phép
người dùng sử dụng chính gương mặt của mình để tạo thành các biểu tượng
cảm xúc.
Tuy nhiên, quá trình chạy thử nghiệm chiến dịch đã cho thấy kết quả
tiêu cực. Hầu như người dùng không hứng thú với ý tưởng này dù nhu cầu
thể hiện bản thân là nhu cầu cao trong cộng đồng. Có 3 vấn đề được đội
ngũ Adtima rút ra ngay sau đó. Thứ nhất, bộ sticker có dung lượng lớn
nên người dùng không muốn tải/cài đặt vì mất thời gian, lo ngại tốn bộ
nhớ và virus. Thứ hai, sản phẩm đòi hỏi tốc độ Internet ổn định và cấu
hình điện thoại tương đối cao trong khi đa số người sử dụng điện thoại ở
Việt Nam chủ yếu là Android, cấu hình thấp. Cuối cùng, vì sticker cá
nhân hóa lần đầu tiên xuất hiện nên còn rất mới mẻ với người dùng, cần
đưa ra cách hướng dẫn đơn giản nhất thì mới thu hút được.
Bộ sticker cá nhân hóa đầu tiên tại Việt Nam của Coca-Cola trên Zalo
Để giải quyết, bộ sticker được thiết kế gọn nhẹ và có thể chạy tốt
ngay trên smartphone cấu hình trung bình, vốn chiếm đa số tại Việt Nam.
Tiếp theo, trong quá trình quảng bá, Zalo nhắm đến người dùng thường
xuyên sử dụng Wi-Fi, vì họ có điều kiện truy cập Internet nhanh. Ngoài
ra, người dùng được hướng dẫn thao tác online với 3 bước đơn giản, không
cần tải/cài đặt bất cứ phần mềm nào. Sau khi hoàn thành bộ sticker của
mình, người dùng có thể chia sẻ đến bạn bè. Tính năng này đánh vào sở
thích “chia sẻ và thể hiện bản thân” của cộng đồng mạng.
Kết quả, bộ sticker cá nhân hóa trên Zalo của Coca-Cola đạt 1.2 triệu
lượt download và “Trao Coca-Cola, trao cảm xúc” được Hiệp hội Tiếp thị
di động quốc tế (MMA) công nhận là chiến dịch thành công nhất trên lĩnh
vực mobile marketing Việt Nam trong năm 2015.
Chiến dịch “Trao Coca-Cola, trao cảm xúc” nhận được nhiều giải thưởng tại The Smarties 2015.