0915.489.819

Lý giải sự chặt chẽ và nguyên tắc đến khắc nghiệt của người Nhật


Việc luôn đưa ra những quy định, cam kết và thực hiện một cách chặt chẽ bắt nguồn từ tư duy của một xã hội công nghiệp, từng mắt xích nhỏ nhất trong dây chuyền đó phải hoàn hảo.

Mọi thứ dịch vụ đều uy tín tuyệt đối

Mari Ando, một sinh viên gốc Indonesia đang theo học ở tỉnh Niigata. Mari đặt mua một món hàng trên Amazon và giao hẹn vận chuyển tới nhà vào lúc 10 giờ sáng. Từ trước đến giờ Mari đã đặt mua rất nhiều món đồ ở đây và chưa một lần bị giao hàng chậm trễ. 8 phút sau, món hàng tới nơi, Mari cảm thấy không hài lòng, và cô quyết định gọi điện than phiền vì sự chậm trễ.

Chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau, cô nhận được một email của bộ phận chăm sóc khách hàng của Amazon Nhật với nội dung như sau:

“Chúng tôi là đại diện của Amazon Nhật. Chúng tôi xác nhận rằng nhân viên của chúng tôi hôm nay đã đến muộn 8 phút bởi vì bão tuyết quá lớn, đường tắc nên việc giao hàng có phần chậm trễ. Để đền bù cho những thiệt hại mà bạn phải chịu do việc giao hàng chậm trễ, chúng tôi xin gửi tặng bạn một món quà nho nhỏ. Chúng tôi xin cam kết sẽ không để tình trạng tương tự tái diễn trong tương lai. Mong bạn tiếp tục mua hàng với Amazon.”

Lý giải sự chặt chẽ và nguyên tắc đến khắc nghiệt của người Nhật - Ảnh 1.

 

Với sự chăm sóc khách hàng không thể tận tâm hơn nữa, Mari cảm thấy vô cùng hài lòng, quên đi mọi bực bội vì sự chậm trễ vừa rồi. Rồi Mari kể lại câu chuyện cho các bạn, và dĩ nhiên không ai có thể phàn nàn thêm về dịch vụ quá đỗi tuyệt vời này.

Chuyền qua một cửa hàng tiện lợi ở Tokyo, cô Julian Herbert lúc này vừa mới chọn xong hai món cơm cuộn. Khi về nhà, Julian phát hiện một trong hai cuộn cơm có mùi khó chịu, thế là cô mang nó tới cửa hàng trả lại cùng với hóa đơn. Chủ cửa hàng ngay lập tức kiểm tra và xin lỗi Julian, đồng thời đền bù cho cô hai cuộn cơm mới cùng một sản phẩm miễn phí khác trong cửa hàng. Julian đã đủ hài lòng và không nhận thêm bất kỳ món đồ nào khác.

Lý giải sự chặt chẽ và nguyên tắc đến khắc nghiệt của người Nhật - Ảnh 2.

 

Từ những câu chuyện trên, chúng ta đã thấy tính kỷ luật và uy tính trong bất cứ dịch vụ gì người Nhật, họ luôn giữ chữ tín về thời gian, chất lượng phục vụ với khách hàng dù từ những việc nhỏ nhất.

Ngành dịch vụ của Nhật là thế đấy. Cái mà người Nhật quý trọng không phải là lợi nhuận, mà là đảm bảo uy tín tuyệt đối. Dù số tiền bạn chi trả không nhiều nhưng bạn vẫn có quyền được hưởng đầy đủ quyền lợi, kể cả bạn chỉ mua có gói tăm, đôi đũa. Và tất nhiên, nếu bạn mua đồ ăn, luôn có thìa và đũa để sẵn. Thậm chí nhân viên còn nhắc bạn lấy đũa đến khi bạn trả lời thì thôi chứ không bao giờ có chuyện im im rồi bỏ.

Sự chặt chẽ và uy tín đối với nhân viên khi đi làm

Một bạn du học sinh trên diễn đàn du học sinh của người Việt tại Nhật đã kể câu chuyện như sau: Do chỉ mới vào làm đầu bếp được 2 tháng nên đã có lần bạn này quên nấu món ăn của khách. Những tưởng quản lý sẽ thông cảm rồi cảnh cáo thôi, tuy nhiên người chủ đã tiến đến và cho anh nhân viên đãng trí một cái tát như trời giáng. Bạn này điên tiết, muốn phi lên đánh lại nhưng kiềm chế được.

Chỉ khi nghe xong câu giải thích từ ông chủ, bao bực bội ấm ức của bạn mới tiêu tan hẳn. Ông ta nói rằng:

"Khi anh quên một món, khách sẽ bực bội rồi bỏ đi, không còn tin chọn nhà hàng mình nữa. Tất cả sẽ hỏng bét, tôi và anh nắm tay nhau ra đường. Anh có thể mới vào quán này, anh không hiểu được tôi làm ở đây đã được 7 năm, và sai lầm của anh sẽ làm tôi mất việc. Anh cũng đã phụ lòng cả những thằng đứng chôn chân ngoài kia hàng tiếng đồng hồ để mời chào khách. Đấy, chỉ một sai lầm thôi, cả tôi, cả anh, cả mấy thằng ấy ra đường hết!"

Lý giải sự chặt chẽ và nguyên tắc đến khắc nghiệt của người Nhật - Ảnh 3.

 

Bạn du học sinh kể sau khi nghe ông chủ giải thích như vậy thì đã không còn giận nữa. Bạn đó tự nhủ mình sẽ phải cố gắng nhiều hơn để không làm ảnh hưởng đến tập thể chung.

Khi bắt đầu đi làm trong một nhà hàng hay bất kỳ điểm kinh doanh nào ở Nhật, điều đầu tiên bạn sẽ nhận được là một loạt những nguyên tắc trong công việc đó và bạn phải có trách nhiệm học thuộc, từng bước nhỏ một. Làm xong sớm được thưởng, muộn sẽ bị phạt, luôn tuyệt đối công bằng.

Còn đối với những ai đã từng đi làm trong doanh nghiệp Nhật, dù bạn có làm ở vị trí nào thì khi bắt đầu đi làm cũng sẽ phải học thuộc bộ nguyên tắc và cam kết của công ty. Bạn sẽ được học từng thứ một: từ nguyên tắc ăn mặc, nguyên tắc nói chuyện với sếp, nguyên tắc trao đổi với đồng nghiệp, nguyên tắc nghe điện thoại, nguyên tắc viết email công việc và phải làm cho đến khi thành thục mới thôi.

Lý giải sự chặt chẽ và nguyên tắc đến khắc nghiệt của người Nhật - Ảnh 4.

 

Trong nhiều trường hợp nếu công việc của bạn liên quan đến nhiều phòng ban khác, việc học về sự ràng buộc giữa các bộ phận có khi kéo dài đến 2 tháng trời.

Những quy định hà khắc có thể gây ra sự mệt mỏi ban đầu, nhưng khi đã quen, thì bạn sẽ làm mọi việc cực kỳ trôi chảy và chuyên nghiệp, tất nhiên, lương sẽ được nhận luôn đủ hoặc nhiều hơn hợp đồng do được thưởng.

Chính vì vậy, đối với nhiều bạn du học sinh ở Nhật, các bạn thường phàn nàn về việc ông chủ mắng, công việc vất vả nhưng chưa bao giờ có ai phàn nàn về việc bị quỵt lương. Trong khi đó việc bị quỵt lương xảy ra khá phổ biến với các ông chủ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi vậy tính cam kết cao của người Nhật trong công việc như vậy bắt nguồn từ đâu? Nó bắt nguồn từ những nỗ lực để bắt kịp với các nước phương Tây trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước từ cuối thế kỷ 19. Mỗi cá nhân là một mắt xích trong tập thể, vì vậy không có sai sót thì tập thể mới vững mạnh được.

Mối quan hệ việc làm trong các công ty Nhật là một cam kết giữa ông chủ và nhân viên. Khi ông chủ tôn trọng cam kết thì nhân viên cũng sẽ phải sống chết thực hiện cho bằng được cam kết đó. Cũng nhờ sự cam kết cao như vậy mà Nhật là nước đầu tiên công nghiệp hóa thành công và bắt kịp phương Tây, và rồi trở thành một nước kinh tế hàng đầu như ngày nay.

Theo Ngọc Thuý / Trí Thức Trẻ