0915.489.819

Làm việc cho một công ty càng lâu, bạn càng ít được tăng lương


Có một sự thật về mối quan hệ giữa thời gian làm việc và mức lương mà không phải ai cũng biết. Đó là nhân viên làm việc cho một công ty càng lâu thì càng có thu nhập thấp. Nếu làm việc trong thời gian dài hơn hai năm thì sau 10 năm, bạn sẽ lỗ trung bình 50% mức lương đáng được hưởng.

1. Nhảy việc có lợi gì?
Tại Mỹ, trung bình một nhân viên kỳ vọng sẽ được tăng 3% lương trong năm 2014. Các cá nhân xuất sắc có thể hy vọng mức tăng 4,5% còn những ai làm việc kém hơn thì chỉ dừng lại ở con số 1,3%. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát ở nước này theo tính toán của Cục Thống kê Lao động (BLS) dựa trên CPI là 2,1%. Như vậy trung bình, mức tăng lương thực tế chỉ chưa đến 1%.
Khiến ban lãnh đạo thay đổi mức tăng lương là chuyện gần như không thể, nhưng chúng ta có thể quyết định xem mình có nên ở lại một công ty chỉ tăng lương ít như vậy hay không. Tỷ lệ tăng lương trung bình mà một nhân viên nhận được khi rời công ty nằm trong khoảng 10% đến 20%. Thậm chí có những trường hợp nhân viên được tăng tới hơn 50% lương, tùy từng hoàn cảnh và ngành nghề.

Tại sao những người nhảy việc lại được "thưởng" trong khi nhân viên trung thành thì bị "phạt"? Câu trả lời rất đơn giản. Kinh tế suy thoái khiến các doanh nghiệp đóng băng ngân sách và giảm tiền lương cho nhân viên. Chúng ta có thể thông cảm với hành động này.
Vấn đề là mức lương giảm vốn chỉ mang tính chất tạm thời thì giờ lại trở thành tiêu chuẩn. Chẳng hạn như ở Mỹ, người ta đã quá quen với việc "tăng lương 3%" đến nỗi con số này trở thành định mức mới. John Hollon, cựu biên tập viên của tạp chí Workforce.com vẫn còn nhớ trước đây, 5% mới là mức tăng lương trung bình hàng năm tại nước này. Cuộc suy thoái là cái cớ hoàn hảo cho các công ty thu hẹp quỹ lương và giảm mức tăng lương kỳ vọng trong dài hạn.
Bethany Devine, giám đốc phụ trách tuyển dụng tại thung lũng Silicon cho biết: "Tôi thấy những người từng chuyển việc thường yêu cầu mức lương cao hơn. Khi bạn làm việc lâu dài ở một công ty, bạn sẽ bắt đầu với một mức lương cơ bản và hàng năm được tăng thêm một chút dựa vào lương hiện tại. Thông thường mức tăng này chỉ có giới hạn nhất định. Tuy nhiên, nếu chuyển sang công ty khác, bạn sẽ bắt đầu lại từ đầu và có thể yêu cầu một mức lương cơ bản cao hơn".

Bà Bethany Devine tiết lộ thêm rằng một số công ty giới hạn số lượng nhân viên được thăng chức trong năm. Do đó, nhiều khi bạn đáp ứng đủ điều kiện mà vẫn chưa được thăng chức, thậm chí còn phải "xếp hàng" đợi nhiều năm trời mới đến lượt. Còn nếu chuyển sang công ty mới, bạn có thể được nhận ngay chức vụ cao hơn, miễn là bạn đủ khả năng.

2. Nhảy việc có gây ra thiệt hại gì không?
Nhiều người e ngại rằng nhảy việc quá thường xuyên sẽ "làm xấu" CV. Một số nhà tuyển dụng có thể không hài lòng với "thành tích" này và loại hồ sơ của bạn chỉ vì lý do đó.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là liệu rủi ro có lớn hơn lợi ích bạn sẽ thu được hay không. Christine Mueller, chủ tịch hãng TechniSearch Recruiters cho biết, một số nhà tuyển dụng khẳng định sẽ"không cân nhắc những ai nhảy việc trên 3 lần trong vòng 10 năm, không cần biết lý do".
Mặc dù vậy bà Mueller vẫn khuyên nhân viên nên chuyển việc cứ mỗi 3 hay 4 năm để được tăng lương nhiều nhất. Vấn đề không phải là việc bạn có nên chuyển việc hay không, mà là bạn nên đợi bao lâu thì mới chuyển việc để tối đa hóa mức lương và đạt được mục tiêu của mình.
Brendan Burke, giám đốc tại Headwaters HW cực lực phản đối quan điểm chuyển việc là tốt. Theo ông, nhiều công ty không đủ khả năng để nhanh chóng thăng chức và thưởng cho các nhân viên giỏi vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như những vấn đề chính trị trong nội bộ công ty. Do đó, họ để mất nhiều nhân viên xuất sắc. Tuy nhiên các vấn đề "chính trị công sở" là không thể tránh khỏi và không phải rào cản quá lớn ngăn các tài năng được khen thưởng xứng đáng.
Andrew Bauer, CEO của Royce Leather thì lại cho rằng chuyển việc sẽ khiến bạn bị stress. Ngoài tiền lương, người lao động còn nhiều vấn đề phải cân nhắc như: Chất lượng cuộc sống, sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất và các chuẩn mực đạo đức. Tiền quả thực rất quan trọng. Tuy nhiên bạn cũng cần cân đối giữa tiền với những thứ khác trong cuộc sống nữa. Vì tiền không phải là tất cả.

3. Kết luận
Trên thực tế, nhân viên thường không được nhận mức lương xứng đáng. Thay vì phàn nàn về những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát như nền kinh tế hay quyết định của ban lãnh đạo, chúng ta hãy làm những gì có thể.
Tất nhiên nguyên tắc nào cũng có ngoại lệ. Không phải ai cũng chuyển việc được ngay, nhưng hãy cân nhắc giải pháp này và làm chủ đồng lương cũng như sự nghiệp của mình.

(Sưu Tầm)