Từ chuyến đi Anh của Tập Cận Bình,
từ vụ doanh nhân trà Hà Linh, 30 doanh nhân thành viên câu lạc bộ Doanh
nghiệp Dẫn đầu, đa số đã có kinh doanh, đầu tư ở Trung Quốc (TQ) đã trở
thành chủ đề tại cuộc toạ đàm trưa ngày 21.10.
A.Tóm lược, đúc kết kinh nghiệm làm ăn:
1/ Trình độ tiêu dùng của người dân TQ
đang nâng lên dần. Thị dân có thể bỏ ra số tiền cao hơn cho cùng loại
mặt hàng mà họ tin có chất lượng hơn. Nhiều người TQ “ngại” dùng hàng TQ
vì tính không an toàn, có độc tố…
2/ Trên thị trường TQ, hệ thống phân phối hiện đại và online hiện mạnh hơn hệ thống truyền thống.
3/ Hàng giả vẫn là vấn nạn, có vẻ chính quyền xử lý không xuể.
4/ Làm ăn với TQ, ngoài mua bán, còn có
thể tiến hành nhiều hoạt động khác có lợi: mua nguyên vật liệu, thực
hiện một công đoạn nào đó trong chế tạo máy, lấy “mác” TQ tiến vào các
thị trường gần gũi như thị trường Trung Đông…
B.Các lưu ý trong quá trình kinh doanh:
1/ Làm ăn biên mậu cần có mấy lưu ý:
– Hoạt động ở ba cửa khẩu có khác nhau. Nơi có vùng đệm kinh tế tự do thì có phần dễ hơn (Lạng Sơn không có vùng đệm này).
– Tốt nhất là mua đứt bán đoạn bên này
biên giới. Thường có một kịch bản chung: lúc đầu mua bán thanh toán ổn.
Sau đó thương nhân TQ mua lượng lớn lên dần, vẫn thanh toán đúng hẹn.
Rồi mua lượng lớn hơn nữa, bắt đầu thiếu tiền. Khi lượng hàng phía TQ
giữ và thiếu tiền tăng lên thật nhiều, thì ép giá, dù lỗ mấy phía Việt
Nam cũng phải bán. Có trường họp mất đến 400 tỉ, một công ty Việt Nam
cũng phải bỏ vì càng bán tiếp càng lỗ nặng. Đòi nợ ở TQ thì lưu ý nạn xã
hội đen hoạt động khá phổ biến. Người TQ có văn hoá làm ăn không sợ
thiếu nợ. Nhưng cái chính là họ nắm đằng chuôi.
2/ Làm ăn ở TQ, nói chung:
– Nếu nhà sản xuất nước ngoài mở nhà máy
hay công ty phân phối ở TQ mà bán hàng chạy, họ cũng sẵn sàng trả giá
cao để lôi kéo người và bỏ vốn cho người được kéo về này mở nhà máy làm
sản phẩm giống như sản phẩm của công ty nước ngoài.
– Đăng ký thương hiệu: phải dùng tên
khác của sản phẩm dù thương hiệu ở Việt Nam nổi tiếng đến đâu. Vì hầu
như tất cả thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam đều đã bị đăng ký trước ở
TQ. Khi ta mang sản phẩm qua, đưa vào hệ thống phân phối sẽ bị ngăn chận
vì lý lẽ hàng của ta là… hàng giả. Các công ty đa quốc gia vào thị
trường TQ cũng phải chọn tên khác, bằng tiếng Hoa càng tốt.
– Hàng vào siêu thị sẽ gặp khó vì rào
cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cao. Nhưng khi vào được rồi, sau đó
làm truyền thông quảng bá tốt, bán được thì việc kinh doanh sẽ vững chắc
vì mỗi hệ thống siêu thị có rất nhiều cửa hàng.
– Nên xây dựng bộ máy phân phối có tính chuyên nghiệp cao, và chú ý cả mạng siêu thị lẫn online.
– Vào thị trường TQ nên rất chú ý vấn
nạn hàng giả (khó tránh). Vì vậy, muốn làm ăn vững chắc, phải luôn có bộ
phận chuyên trách chú ý theo dõi tình hình làm giả hàng mình trên thị
trường. Nên có hai người hay công ty đại diện pháp luật về: sở hữu trí
tuệ thương hiệu; thuế và kiểm toán.
– Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi
thói quen làm ăn nhỏ lẻ, cạnh tranh với nhau mà cần liên kết thành nhóm,
chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giảm phần bị lừa và thiệt thòi, tăng
phần tận dụng được lợi thế hàng hoá Việt Nam.
– Ngay bây giờ, nếu bạn thấy thương hiệu nào của bạn bán tốt trên thị trường Việt Nam thì nên đăng ký ngay bên Tàu.
– Có thể mở văn phòng ở Hong Kong, giúp cho việc thanh toán và các tranh chấp pháp lý.
– Nếu đi vào thị trường TQ bằng một
ngành hàng mà TQ mạnh, thì phải tính chuyện đa dạng hoá mặt hàng và cầm
cự lâu dài mới hy vọng thắng được.
Vũ Khánh (ghi)