0915.489.819

KHỞI NGHIỆP VÀ CÔNG TÁC NHÂN SỰ

KHỞI NGHIỆP VÀ CÔNG TÁC NHÂN SỰ

Để bắt đầu bàn về chủ đề nóng Khởi nghiệp với đối tượng quan trọng nhất: Con người – Nhân sự, từ StartUp founder, đồng sáng lập, đội ngũ, đối tác, đối thủ, Khách hàng,… Tôi xin mượn thống kê về 20 nguyên nhân hàng đầu khiến các doanh chủ khởi nghiệp thất bại.

  

Khởi nghiệp trong thời gian gần đây được nhiều quốc gia chú ý, đặc biệt khi mà sức sáng tạo và phát triển về khoa học và công nghệ ngày càng nhanh, càng cao và chi phối ảnh hưởng mạnh đến đời sống của xã hội và của cá từng cá nhân. Thống kê về khởi nghiệp ở các quốc gia phát triển thì cũng có đến hơn 80% số doanh nghiệp khởi nghiệp không trụ quá 5 năm hoạt động đầu tiên. Khảo sát sâu thì 20 lý do thể hiện ở biểu đồ ảnh trên chính là những nguyên nhân chính yếu làm cho các doanh nhân khởi nghiệp thất bại.

Khởi nghiệp cũng đã được bàn đến nhiều ở Việt Nam thời gian qua, thống kê của 1 tờ báo cuối tháng 8 vừa qua cho biết cứ 5 phút có 1 doanh nghiệp mới đăng ký thành lập và cứ 8 phút thì có 1 doanh nghiệp phải rời bỏ cuộc chơi. Vẫn biết rằng có sinh có tử, nhưng trong chừng mực nhất định có thể do giới hạn thời gian, không gian, nội dung hay chiều sâu mà việc khuyến khích khởi nhiệp ở Việt Nam thời gian qua tôi thấy có tính phong trào, điều thật nguy hiểm cho cá nhân và cộng đồng, xã hội mặc dù về nguyên tắc đồng tiền hay đồng vốn vẫn quay vòng đâu đó trong xã hội và đóng góp và dòng tiền của nền kinh tế. Tôi cho rằng muốn có một nền kinh tế vững thì cần có các doanh nhân doanh chủ mạnh cả về năng lực tài chính lẫn năng lực phi tài chính,... và Khởi nghiệp cần được đầu tư Đúng Đủ và Đều  một các nghiêm túc và chuyên nghiệp thì mới Đạt kết quả tích cực, không chỉ và không nên kích hoạt bằng những chiến dịch truyền thông hay các lời tuyên bố nặng tính PR phô trương mà thiếu chiến lược phù hợp thực tế nước nhà và sự thay đổi nhanh chóng của mội trường kinh tế chính trị xã hội vĩ mô.

Với mục tiêu bàn luận về Quản trị Nhân sự trong giai đoạn Khởi nghiệp, trong giới hạn của chủ đề này, qua việc tìm hiểu và phân tích lại các thống kê có tính khái quát như trên và qua thực tế tiếp xúc với giới trẻ khởi nghiệp thời gian qua với các kênh cá nhân, anh em bạn hữu, tố chức thân tình và đặc biệt là qua Group và Club Quản trị & Khởi nghiệp, cũng như đỡ đầu 1 số doanh chủ trẻ Startup Thành công như Tạ Minh Tuấn, 30 under 30 châu Á của Forbes; Đặng Thương Tín, doanh chủ của Always, một công ty bán hàng online với doanh số đến hơn 1 triệu USD chỉ trong vài năm hoạt động, Đỗ Nguyễn Thanh Đồng, CEO công ty Acis, một doanh nghiệp được ươm từ Khu công nghệ cao TPHCM, chuyên sản xuất hệ thống điều khiển thông minh SMART Home, Trần Hà Huy Cường, doanh chủ 1 công ty chuyên cung cấp vật liệu và sản phẩm kỹ thuật cao phục vụ ngành Nha, Nguyễn Anh Tuấn CEO của SEAMI một học viện Âm nhạc Đông Nam Á, Nguyễn Anh Hiền, một CEO trẻ của công ty Thiết Bị Y Sinh luôn tiên phong phát triển khu vực Châu Á Thái Bình Dương của tập đoàn Microlife... cùng nhiều doanh nhân doanh chủ SMEs và khởi nghiệp thành công khác tôi xin chia sẻ 1 số kinh nghiệm và quan điểm sau.

1/Trong mọi hoạt động, con người luôn là nhân tố quan trọng nhất, con người là khởi phát và con người cũng là đích đến của mọi hoạt động kinh tế, trong đó có khởi nghiệp, do vậy các lý do thất bại thống kê đến 20 lý do như trên phân tích cho cùng chỉ có 4 nhóm nguyên nhân chính liên quan đến con người. Nhiều người cho rằng nhân sự là vấn đề của người khác hay của phòng nhân sự, như thực sự trong mọi tổ chức, đặc biệt là Khởi nghiệp thì Nhân sự là vấn đề lớn bao trùm và riêng tư, khái quát và cụ thể từ chính các nhà khởi nghiệp, sáng lập, Startup Founder, đồng sự, cộng sự, đến các đối tượng (đối nhân), đối tác, đối thủ,… nếu ta nhận thức đúng, đủ và kịp thời vấn đề này ta sẽ có giải pháp phù hợp, có thể xem đó là các nhóm nguyên nhân sau:

  1. Nhóm nguyên nhân do năng lực quản trị bản thân và quản trị mô hình kinh doanh

    Không hiểu rõ những kỹ năng cần có để thiết kế, xây dựng và phát triển 1 doanh nghiệp, thường quyết định cảm tính mà không quan tâm đến những đối tượng quan trọng, người đồng hành và các đối tác, hăm hở tím cách cứu rỗi thế giới 1 mình. Không nhận thức hết những vấn đề bao quát và chi tiết để hình thành và vận hành một tổ chức kinh doanh.

    Không nắm rõ mô hình kinh doanh từ đó không có chiến lược phù hợp, không nắm rõ các thành tố cần có và mối quan hệ của các thành tố đó để hình thành mô hình kinh doanh phù hợp với Tam Đối và môi trường kinh doanh.

    Không nhận thức về sức khỏe của chính mình nên phung phí và kiệt sức không chỉ kiệt sức doanh nghiệp mà cả sức khỏe bản thân cùng nhụt chí tinh thần.

  2. Không nhận thức được thị trường thật, chủ quan, chỉ xem ý mình là số 1 thiếu quan tâm và tinh tế kinh doanh hay market sense để nhận biết thị trường và dung lượng thị trường

  3. Nhóm nguyên nhân do năng lực thấu cảm Tam Đối
  • Không biết thể hiện và truyền thông với Tam đối là Đối tượng, Đối tác và Đối thủ
  • Khi quá say mê với ý tưởng của mình, dễ sinh ra việc không còn chú ý hay tôn tọng lắng nghe ý kiến khác nên vô tình có thể 1 ý tưởng có tiềm năng lại bị thui chột và thất bại vì thiếu sự thấu cảm khách hàng mục tiêu và thị trường để điều chỉnh theo đúng nhu cầu và ngôn ngữ của họ.
  • Khi không thấu cảm và phân biệt được Tam đối sẽ thường hời hợt trong việc ra các đối sách và lầm lẫn đối sách sử dụng cho Đối tượng, Đối tác, Đối thủ nên tổn hao nhiều, tổn thất lớn, suy kiệt rồi thất bại.

2/Để tìm giải pháp phù hợp, giải quyết các vấn đề và các nhóm nguyên nhân trên cần 2 năng lực là:

2.1     Năng lực Lãnh đạo liên tục nâng tầm

2.1.1 Thực hành quá trình Ngũ tự: Tự Thoại, Tự Vấn, Tự Nhận thức, Tự điều chỉnh và Tự Hoàn thiện.

2.1.2 Luôn giữ thái độ tích cực lạc quan trong cuộc sống làm giàu tri thức qua quá trình Tam Nghiệm: Trải qua nghiệm lại, Chứng thấy Nghiệm ngay và Chiêm báo Nghiệm trước.

2.1.3 Năng lực liên tục học hỏi hoàn thiện biết và thực hành học sâu hành sắc, thực học thực hành: Trong một thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng mà chúng ta đang ở giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, thì điều từng cá nhân biết luôn ít hơn, chậm hơn điều cá nhân đó chưa biết dù cá nhân đó có thể rất uyên bác có học vị học hàm,… Mà điều cá nhân đó không biết thì người khác biết. Trong nền kinh tế chính trị và xã hội như vậy thì nhu cầu nâng cao năng lực bản thân.

2.2 Năng lực nhận biết mô hình kinh doanh và quản trị vận hành một tổ chức kinh doanh: Hiểu rõ Mục tiêu kính doanh, cơ hội kinh doanh, thị trường hôm nay và tương lai, hiểu rõ Tam đối cả bên trong và bên ngoài, từ đó vận dụng tốt Tam Lý Đạo.

2.2.1 Tạo cảm hứng với đồng sự bằng Đạo lý, đạo lý cao nhất của kinh doanh là lợi ích của mình không xâm phạm lợi ích của người khác kể cả khi người ta chưa biết. Đạo lý tiếp theo là thụ hưởng từ lao động sáng tạo và cơ bắp của chính mình trong đó khuyến khích sáng tạo và sống cân bằng với Thiên nhiên, Cân bằng Thân Tâm Trí.

2.2.2 Thuyết phục và gây dựng niềm tin bằng Luận lý, luận lý là biết cách sử dụng các cơ sở dữ liệu và thực tế cùng khả năng lý luận để thuyết phục Tam đối (Tượng (nhân), Tác, Thủ). Biết đọc ý nghĩa đằng sau con số và khi trình bày các con số vô tri khô khan biết làm cho các con số biết nói. Trong luận lý cần hết sức chú ý đến quản trị các nguồn lực hiện hữu (Lục Lực: Nhân Tài Vật Hệ Thương Năng theo LTC) hiệu quả đồng hành cùng Tam đối vượt qua thử thách khó khăn và tranh thủ các cơ hội thuận lợi của môi trường hoạt động từ Tam đối đến Chính trị, chính sách, quy trình, tình hình kinh tế vĩ mô, môi trường tự nhiên, đến các cộng đồng và lối sống, sự ảnh hưởng của Khoa học co6g nghệ hay cơ sở hạ tầng và các nhà đầu tư (CPESTI theo LTC) để đạt được mục tiêu (SMART hay Tam định, đủ cao để với đủ gần để tới) trong thời hạn cho phép. Thiết kế Chiến lược tốt nhất và triển khai Kế hoạch hành động hiệu quả nhất để đảm bảo gia tăng TOPLINES (Doanh số, doanh thu, khách hàng, tăng trưởng), Hợp lý hóa MIDLINES (các khoản chi, tỷ lệ hợp lý,… để vận hành tổ chức) tối ưu và tối đa hóa BOTTOMLINE (lợi nhuận).

2.2.3 Tạo cảm hứng cho các đồng sự đồng nghiệp, đối tác đối tượng thậm chí cả đối thủ qua việc hành xử thật Tâm Lý, giúp người ta say mê tham gia, dấn thân làm việc và xả thân phụng sự.

Dù mọi sự thay đổi rất nhanh, nhưng chắc chắn vẫn có 1 số nguyên lý căn bản cần được gìn giư không thay đổi cũng như chúng ta không thể thay đổi bằng cách dụng đầu để di chuyển như chân và suy nghĩ bằng chân thay cho Đầu. Với tinh thần đó ta có thể hiểu mọi sự bắt đầu từ con người hướng đến con người, xuyên qua những con người và đến con người. Nhân sự, chuyện muôn đời của mọi tổ chức và cộng đồng, đặc biệt trong giai đoạn khởi nghiệp lắm khát vọng đam mê, thiếu vốn sống và nguồn lực sẽ không thể kết thúc sau chỉ vài sự kiện tầm cao hay vài cuốn sách phát hành. Xin chia sẻ nhanh vài quan điểm qua quá trình Khai phát Tứ Năng của nhiều cá nhân tổ chức, đánh thức tiềm năng thành khả năng, rèn luyện khả năng thành kỹ năng và tích hợp kỹ năng cùng khát vọng tỏa sáng thành tài năng giúp nhiều SMEs phát triển nhanh mạnh ra sân chơi quốc tế giúp nhiều doanh nhân doanh chủ StartUp thành công thành danh. Thay lời kết xin chia sẽ nhanh vài câu kệ với các doanh nhân, doanh chủ, các nhà quản lý, quản trị dù là SMEs hay StartUp.  

Con đường phát triển con đừơng tiến lên  (*)

Quan tâm sâu sắc

Tư duy tích cực

Thảo luận chí tình

Giải pháp thông minh

Liên tục hoàn thiện

Nâng cấp chính mình

Cân bằng thiên nhiên

Thích ứng thay đổi

Chủ động sáng tạo

Tương tác Liên Thông

Dẫn dắt Thành công

Phát triển vững bền

Lý Trường Chiến

HRday 2016, những ngày cuối năm 2016

Trong thời gian ngắn bận rộn cuối năm, dù rất cố gắng không tránh khỏi những sơ suất vô ý, rất mong tiếp nhận ý kiến đóng góp, thảo luận của quý vị để chúng ta có thể làm sâu sắc hơn nhận thức và sự hiểu biết của một chủ đề không bao gờ cũ Nhân sự. Mọi ý kiến vui lòng liên hệ Facebooker Chien Truong Ly hay Email Chien.ly@tritri.org . Chân thành cảm ơn sự quan tâm theo dõi và chia sẽ của bạn!

Thân ái!

(*) cùng các khái niệm Tam, Tứ, Ngũ, Lục,… sử dụng trong bài viết là 1 phần các công cụ quản trị đắc dụng và hiệu quả theo mô hình quản trị của LTC đã được đăng ký tác quyền.