0915.489.819

Hệ thống Big C Việt Nam sắp đổi chủ?

Theo tạp chí Retail Asia, doanh thu của hệ thống Big C đạt 546 triệu USD trong năm 2014.

Ngày 15/12, tập đoàn bán lẻ Pháp Casino Group – công ty mẹ của chuỗi siêu thị Big C Việt Nam – đã có thông cáo báo chí về kế hoạch “giảm gánh nợ tài chính” trong năm 2016.

Theo đó, tập đoàn này sẽ bán đi một số tài sản để giảm khoản nợ 2 tỷ Euro.

Thị trường Việt Nam được Casino xác định là thị trường không trọng yếu và tập đoàn này có kế hoạch bán đi các mảng hoạt động tại Việt Nam. Như vậy không loại trừ khả năng hệ thống Big C Việt Nam sẽ sớm đổi chủ trong thời gian tới.

Với 32 siêu thị đang hoạt động trên khắp cả nước, Big C đang là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng số 2 tại Việt Nam, sau hệ thống Co.op Mart. Bên cạnh đó, Big C còn có 10 cửa hàng tiện lợi.

Theo tạp chí Retail Asia, doanh thu của hệ thống Big C đạt 546 triệu USD trong năm 2014, tăng 7% so với mức 511 triệu USD của năm 2014.

Thương hiệu Big C hiện đang hiện diện tại Việt Nam, Thái Lan và Lào. Theo kế hoạch, tập đoàn Casino vẫn giữ lại mảng kinh doanh tại Thái Lan. Doanh thu năm 2014 của Big C Thailand lên đến 3,4 tỷ USD.

Năm ngoái, tập đoàn bán lẻ Metro của Đức đã lên kế hoạch bán lại Metro Vietnam cho tập đoàn BJC của Thái Lan. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, hiện thương vụ có trị giá 655 triệu USD này vẫn chưa thể hoàn tất. Nếu được bán, giá trị của Big C Việt Nam nhiều khả năng cũng tương đương với Metro.

Tại Việt Nam, Casino thường liên doanh với một số đối tác sở hữu mặt bằng trong nước để thành lập pháp nhân cùng kinh doanh; mỗi pháp nhân này thường quản lý một số siêu thị.

Chẳng hạn Big C Thăng Long có 65% vốn của Casino và 35% vốn Thăng Long GTC; Big C An Lạc có 80% vốn của Casino và 20% vốn của Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI). Đây cũng là 2 trong số những công ty hoạt động có hiệu quả nhất trong hệ thống các công ty thành viên của Big C Việt Nam.

Kiến Khang

Theo Trí thức trẻ