Flappy Bird: cuối năm nhìn lại - Giáp Văn Dương
(TBKTSG) - Flappy Bird là trò chơi (game) do Nguyễn Hà Đông, một người trẻ đang sống ở Hà Nội, viết từ tháng 5-2013. Đến đầu năm 2014, Flappy Bird đã trở thành game được tải nhiều nhất trên cả App Store và Google Play, một thành công chưa có tiền lệ. Chính vì thế, Flappy Bird đã là tâm điểm của giới truyền thông trong và ngoài nước. Câu chuyện càng kịch tính hơn khi Flappy Bird bị chính chủ nhân rút xuống khi đang ở đỉnh cao thành công.
Nay cuối năm nhìn lại, thấy rằng Flappy Bird vẫn là một trong những câu chuyện đáng nói nhất của năm 2014.
Đạo đức và tiền bạc?
Câu chuyện về trò chơi này không chỉ gây chú ý của giới truyền thông về thành công của nó như thường thấy, mà kịch tính hơn, là quyết định gỡ bỏ nó ra khỏi App Store và Google Play. Tuy là game miễn phí, nhưng theo nhiều dự đoán, vào thời điểm bị rút xuống, mỗi ngày tác giả của Flappy Bird cũng thu được ước chừng 50.000 đô la Mỹ từ quảng cáo. Một con số quá lớn và đáng mơ ước với bất cứ người phát triển game độc lập nào.
Nhìn xa hơn, Công ty Rovio của Phần Lan với game Angry Birds đã thu lợi hàng trăm triệu đô la mỗi năm, và SuperCell với Clash of Clans, tuy mới thành lập được vài năm, cũng đã có thị giá 3 tỉ đô la, thì dưới con mắt của nhà đầu tư, việc gỡ bỏ Flappy Bird gần như đồng nghĩa với việc từ bỏ một doanh nghiệp tỉ đô.
Nguyễn Hà Đông cho biết, anh gỡ bỏ Flappy Bird vì đó là trò chơi gây nghiện. Flappy Bird không còn là để giải trí, mà đã trở thành vấn đề gây hại, vì thế cần phải gỡ bỏ. Quan điểm này được lặp đi lặp lại trong các trả lời phỏng vấn của Đông.
Như vậy, theo giải thích của Đông, việc gỡ bỏ Flappy Bird có liên quan đến vấn đề đạo đức và đó là một lựa chọn cá nhân. Đây là một quyết định đáng trân trọng. Nhưng với đám đông thì gỡ bỏ một sản phẩm khi đang hái ra rất nhiều tiền là một việc bất thường.
Không ai có quyền phán xét một lựa chọn cá nhân. Dù gì đi nữa, việc gỡ bỏ Flappy Bird cũng không hoàn toàn tiêu cực, ngay cả dưới góc nhìn kinh doanh thuần túy. Nó còn tạo ra một khoảng trống để tất cả cùng suy nghĩ, để các ý tưởng và kịch bản khác điền vào.
Thời của cá nhân xuất sắc
Sự thành công của Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird và các game khác đã vượt xa nhiều công ty lớn trong lĩnh vực này, khi Flappy Bird đứng đầu trên App Store và Google Play. Điều này có ý nghĩa gì với người trẻ?
Hẳn nhiên, nó cho thấy một xu hướng đang nổi lên, đó là thời của các cá nhân xuất sắc đang đến. Chính các cá nhân, chứ không phải những tổ chức cồng kềnh, sẽ tạo ra sự thay đổi. Vì sao vậy? Vì sáng tạo bao giờ cũng đến từ cá nhân. Với những ngành phát triển dựa trên sự sáng tạo, như lập trình game hay nhiều ngành công nghiệp sáng tạo khác, thì cá nhân xuất sắc là yếu tố quan trọng nhất để thành công.
Điều này sẽ khuyến khích các cá nhân tự tin hơn để bước ra khỏi cái vòng tập thể vô hình để làm việc trong đam mê và sáng tạo. Mong ước kiếm được một suất biên chế hay một chân trong doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm đi. Vì giờ đây, có những cách thành công khác, đặt trên cơ sở cá nhân xuất sắc, chứ không phải sự thăng tiến bằng mọi cách trong một hệ thống cũ kỹ, nặng nề.
Nếu trước đây, để thành công ở mức toàn cầu với bất cứ lĩnh vực gì thì người ta thường nghĩ đến việc đi ra nước ngoài. Nhưng không phải ai cũng có thể ra nước ngoài để làm việc. Số còn lại trong nước gần như vô vọng. Nhưng nay thì đã có bằng chứng, ở trong nước cũng có thể thành công, miễn là có đam mê và sáng tạo.
Sự thành công của Nguyễn Hà Đông vì thế sẽ tạo cảm hứng, và hy vọng là một làn sóng, cho giới trẻ trong thời gian tới.
Sứ mệnh khởi nghiệp
Sự thành công ở mức toàn cầu của một sản phẩm được làm ra từ một căn phòng nhỏ ở Hà Nội có thể sẽ giúp giới trẻ vượt qua được mặc cảm tâm lý khi làm việc ở trong nước, với nguồn lực hạn hẹp. Viễn cảnh về một thành công tương tự, với nhiều kịch bản “hoành tráng” và “khôn ngoan” hơn cả Flappy Bird đã được nhiều người thầm vẽ trong đầu. Viễn cảnh có thể xây dựng công ty nổi tiếng toàn cầu ngay tại mảnh đất này không còn quá xa vời.
Cũng một phần do ảnh hưởng từ thành công của Flappy Bird, tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông (ICT), đã trở thành một trong những điểm nhấn của năm 2014. Google đã ra phiên bản “Sổ tay khởi nghiệp” bằng tiếng Việt, phiên bản đầu tiên ngoài tiếng Anh, là một tín hiệu cho thấy tiềm năng về ICT của giới trẻ Việt Nam được đánh giá cao.
Còn nhớ, phầm mềm nhắn tin ICQ mà nhiều người dùng Internet đời đầu của Việt Nam đã sử dụng của Công ty Mirabilis (Israel) đã gánh vác sứ mệnh khởi nghiệp cho cả ngành công nghệ cao của Israel. Ra đời từ tháng 11-1996, đến giữa năm 1998, ICQ có 12 triệu người sử dụng để trở thành phần mềm nhắn tin phổ biến nhất thế giới. Sau đó ICQ được bán cho AOL vào tháng 6-1998 với giá 407 triệu đô la. Phi vụ này đã trở thành một biểu tượng và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ Israel trong việc khởi nghiệp trong ngành công nghệ.
Trước đó, Israel vừa trải qua một thập kỷ mất mát, với kinh tế đình trệ và lạm phát lên đến 486% vào tháng 11-1984. Tuy nhiên, sự tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thị trường và sự ra đời của các quỹ đầu tư mạo hiểm đã biến Israel thành hình mẫu phát triển mới, trong đó đặc biệt ấn tượng là làn sóng khởi nghiệp với thành công của nhiều doanh nghiệp ở tầm quốc tế. Để có được làn sóng khởi nghiệp đó, vai trò truyền cảm hứng của những thành công ban đầu như ICQ đóng vai trò quyết định.
Liệu Việt Nam có được một cú hích khởi nghiệp để tạo ra doanh nghiệp thành công toàn cầu như Israel?
Với sự thành công của Flappy Bird, và Swing Copters cũng đang rất thành công với hơn 20 triệu lượt download của Nguyễn Hà Đông, câu trả lời là hoàn toàn có thể.
Vấn đề là môi trường kinh doanh của Việt Nam có hỗ trợ cho sự ra đời của những doanh nghiệp như vậy, và những người như Nguyễn Hà Đông có sẵn sàng cho sứ mệnh này?