Để thành công, bạn hãy ngừng làm 13 việc sau đây
Chúng ta thường hành động như thể thời gian là vô tận và sẽ luôn có một ngày mai nữa. Điều này là hoàn toàn sai lầm bởi vì phải mất ít nhất 21 ngày kiên trì người ta mới phá vỡ được một thói quen xấu.
Hoặc là bạn điều khiển thời gian, hoặc là thời gian sẽ điều khiển bạn. Nếu chọn cách thứ nhất, con đường thành công vẫn rộng mở trước mắt bạn. Vậy bạn sẽ sử dụng thời gian trong một ngày của mình để làm gì? Trước mắt, hãy tranh thủ từ bỏ 13 thói xấu sau đây.
1. Hay sợ hãi
Không có gì sai khi bạn cảm thấy sợ hãi. Chúng ta thường có xu hướng sợ những điều mình không biết rõ. Tuy nhiên, nếu bạn dũng cảm đương đầu và chinh phục nỗi sợ, sẽ chẳng còn gì ngăn cản bạn đến với thành công nữa, bởi vì tất cả những gì bạn muốn đều nằm ở phía bên kia của nỗi sợ.
2. Tiêu cực
Hãy luôn hành động với suy nghĩ tích cực, lạc quan thay vì mãi đắm đuối vào những điều đang kìm hãm bạn. Mỗi ngày có đến 86.400 giây, bạn đã dùng một giây nào để cười chưa?
Hơn thua là ở thái độ, vì vậy hãy lạc quan.
3. Than vãn về số phận
Rất nhiều người thua thiệt so với bạn nhưng có thể họ ít phàn nàn hơn bạn. Nếu bạn không chịu làm gì để thay đổi số phận của mình, vậy hãy im lặng. Chỉ khi im lặng, con người ta mới có thể suy nghĩ.
4. Tự lừa dối bản thân mình
Chỉ có sự thật mới cho bạn tự do. Tự biết mình đi sai đường, tự biết mình chọn sai người, tự biết mình làm sai nghề, tự biết mình lười biếng, tự biết mình yếu kém... Bạn có thể lừa thiên hạ chứ làm sao dối gạt bản thân được? Biết rồi thì sửa đi nha.
5. “Không”, “Không thể”
Hầu hết chúng ta đều vội vàng kết luận là "Không thể làm được" cho đến khi việc đó được làm xong. Hãy trì hoãn nói câu "Không thể" và cố gắng làm việc hết sức, dùng cái đầu để suy nghĩ và tìm ra lối đi. Bạn đâu có nhất thiết phải làm được việc đó, nhưng ít nhất bạn cũng vượt qua được chính mình khi cố gắng chinh phục nó.
Phải thử mới biết mình có làm được hay không.
6. Lười biếng
Benjamin Franklin từng nói: "Kẻ lười biếng di chuyển chậm đến nỗi sự nghèo đói mau chóng vây lấy anh ta". Vấn đề là đôi khi bạn không nhận ra mình lười. Cái lười nó không hiện hữu rõ rành rành kiểu như lười đổ rác, lười rửa bát. Chẳng hạn sếp giao cho nhóm của bạn một việc, nhưng bạn đùn đẩy cho người khác, bạn ỷ lại vào người khác. Nói chung bạn chỉ thích làm ít việc nhất còn người khác ra sao mặc kệ. Thói quen này dẫn đến sự thiếu sáng tạo và một ngày nào đó, nghèo đói có thể kéo đến.
7. Xao nhãng
Bạn sẽ không thể làm chuyện lớn nếu cứ luôn bị xao nhãng bởi những chuyện nhỏ. Ví dụ, bạn là một nhiếp ảnh gia và ngày hôm nay bạn phải xử lý xong một lô hình của khách hàng. Giả sử rằng cứ mỗi lần bạn xao nhãng khỏi công việc để dành thời gian chat chit, xem phim, gọi điện thoại, lướt Facebook... thì bạn sẽ bị phạt 50.000 đồng. Vậy cho tới khi chỉnh xong lô hình thì bạn đã mất bao nhiêu tiền?
Đừng để chuyện nhỏ làm bạn xao nhãng chuyện lớn.
8. Ích kỷ
Người ích kỷ chẳng khác gì một kẻ trộm. Bạn chẳng những lấy mỗi thứ một ít của người khác mà còn đang tước đi hạnh phúc của chính mình. Một cuộc sống đúng nghĩa khi nó là tổng hòa của sự cho đi, chia sẻ và tán dương thay vì việc chỉ nhận lấy, đòi hỏi hay chỉ trích.
9. Làm quá
Thế giới này có rất nhiều người thích trầm trọng hóa vấn đề, họ chưa cần bạn giúp đâu. Cuộc sống vốn dĩ rất đơn giản. Càng đơn giản càng dễ sống. Hãy biến chuyện phức tạp thành đơn giản nhất và bước qua nó.
10. Cam chịu
Kìm nén sẽ khiến lục phủ ngũ tạng của bạn bị tổn thương. Nỗi đau là không thể tránh khỏi, nhưng chịu đựng lại là một lựa chọn. Bạn chọn chia sẻ hay cứ ôm vào lòng? Đừng tiếp tục cam chịu bởi điều đó đồng nghĩa bạn đang từ bỏ tình yêu. Khi buồn tủi, tức giận, cô đơn... bạn hãy tìm đúng nơi và gặp đúng người để xả. Có vậy mới bước tiếp được.
Sự chịu đựng là căn bệnh âm thầm tàn phá sức khỏe của bạn.
11. So sánh
Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng và phải tự đấu tranh trong trận chiến của mình. Vì vậy, đừng so sánh bản thân với người khác bởi điều đó là vô nghĩa.
12. Sự chần chừ
Trong khi bạn còn chần chừ vì sợ mình sẽ mắc lỗi, người khác đã túm lấy cơ hội, sẵn sàng phạm sai lầm để rồi trở thành người chiến thắng.
13. Đòi hỏi sự hoàn hảo
Sự hoàn hảo ở đâu ra? Kinh Phật mà 4 Thầy trò Đường Tăng cực khổ thỉnh về còn có trang bị rách. Điều hoàn hảo nhất chính là sự không hoàn hảo. Hãy nhớ lấy câu này mỗi khi bạn đã nộp đi một bài luận rồi nhận ra còn một vài chỗ sót, xuất bản một cuốn sách rồi mới phát hiện còn vài hạt sạn, chụp xong một bộ ảnh mới nhận ra trang phục không phù hợp... Nói thì nói vậy, nhưng hãy luôn rút kinh nghiệm để lần sau hoàn hảo hơn lần trước nhé.
Nguồn: Allwomenstalk/ Goodreads