Nếu có một nghịch lý lớn lao nhất đang tồn tại
trong nền kinh tế Việt Nam hàng chục năm qua và vẫn đang diễn ra ở thời
điểm hiện tại, thì đó hẳn phải là sự nghịch lý giữa vai trò và số phận
các doanh nghiệp tư nhân.
Được xem là hạt
nhân quan trọng nhất trong nền kinh tế của hầu khắp các quốc gia trên
thế giới, giới doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam cũng dần chứng tỏ được
vai trò của mình khi mức đóng góp cho GDP đất nước lên tới 40% (tính đến
thời điểm giữa năm 2015).
Thế nhưng, số phận
của họ trong nền kinh tế đất nước thì không khác gì những đứa con ghẻ.
Sự hỗ trợ mà doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhận được vẫn rất thấp, trong
khi những rào cản thì có vẻ như mỗi lúc một nhiều thêm. Nhưng khi mà
thời khắc quyết định với nền kinh tế Việt Nam đang đến gần, thì có lẽ đã
đến lúc hạt nhân của nền kinh tế này cần phải được cởi trói.
Với những người
bi quan, thì số phận của giới doanh nghiệp Việt Nam trong những năm qua
quả thực không khác gì những đứa con ghẻ của nền kinh tế đất nước. Đóng
góp cho tăng trưởng GDP lên tới 40%, vượt qua cả đứa con cưng là khối
doanh nghiệp nhà nước với mức đóng góp chỉ đạt hơn 32%, nhưng những ưu
đãi mà có lẽ họ xứng đáng nhận được vì những đóng góp cho kinh tế nước
nhà vẫn cực kỳ hạn chế, và gần như không đáng kể chút nào với những ưu
đãi mà khối quốc doanh nhận được.
Với những người
lạc quan, thì giới doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong những năm qua đã
làm nên những điều kỳ diệu. Vì với những điều kiện hạn chế như thế mà
vẫn phát triển mạnh và đóng góp gần một nửa tăng trưởng GDP cho nền kinh
tế, thì quả thực là một phép màu.
So sánh như thế để
thấy được tiềm năng lớn lao của giới doanh nghiệp tư nhân đối với nền
kinh tế Việt Nam, nếu được đầu tư đúng mức có thể trở thành hạt nhân
tăng trưởng cho đất nước. Nhưng thực tế là tiềm năng lớn lao ấy vẫn đang
bị hạn chế một cách nhất định trong nhiều năm qua. Các chính sách hỗ
trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân từ phía nhà nước bị đánh giá là
thiếu hiệu quả, trong đó những chính sách được xem là thành công nhất
lại là những quyết định nới bớt những thủ tục, quy định gây phiền hà và
rắc rối cho doanh nghiệp chứ không phải là những chính sách trực tiếp
thúc đẩy doanh nghiệp phát triển vốn rất hiếm hoi.
Không những không
thể so sánh về sự ưu đãi với khối quốc doanh, mà doanh nghiệp tư nhân
Việt Nam còn ít nhận được sự ưu đãi hơn rất nhiều so với các doanh
nghiệp FDI có vốn đầu tư từ nước ngoài, về rất nhiều phương diện: từ đất
đai cho đến giảm thuế cũng như về pháp lý. Dễ dàng để nhận ra sự nghịch
lý và bất công không hề nhỏ: người nước ngoài đến Việt Nam lập doanh
nghiệp lại nhận được sự ưu đãi lớn hơn nhiều so với người Việt Nam tự
lập doanh nghiệp.
Dễ dàng liệt kê
được những khó khăn chính, hoặc có thể coi là những ràng buộc, mà doanh
nghiệp tư nhân Việt Nam đang phải chấp nhận. Đó là sự khó khăn trong
việc tiếp cận nguồn vốn, thiếu những điều kiện ưu đãi cần thiết để mở
rộng quy mô, sự yếu kém của cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp. Hầu hết nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay vẫn
đến từ nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng, trong đó lãi suất thực của vốn
vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác.
Doanh nghiệp tư
nhân Việt Nam gần như rất khó có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay dài
hạn ưu đãi lãi suất thấp từ phía nhà nước như hầu hết doanh nghiệp các
nước khác nhận được. Những ưu đãi về sử dụng đất đai, giảm thuế hay tạo
điều kiện thuận lợi về pháp lý thủ tục giấy tờ cho việc thành lập và
hoạt động doanh nghiệp cũng gần như cực kỳ hạn chế.
Tất cả những hạn
chế và ràng buộc diễn ra trong một thời gian dài này đang khiến giới
doanh nghiệp Việt Nam suy yếu một cách nghiêm trọng và đáng báo động.
Thống kê cho thấy, trong số gần 50% đóng góp cho GDP của đất nước của
giới doanh nghiệp tư nhân, thì 33% GDP đã thuộc về lĩnh vực kinh doanh
cá thể. Nghĩa là nguồn tăng trưởng kinh tế hàng đầu của Việt Nam hiện
nay là số lượng đông đảo những hộ kinh doanh cá thể và nhỏ lẻ, thậm chí
còn không được coi là một doanh nghiệp cỡ vừa.
Thực tế thống kê
cho thấy, trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, thì chỉ có
2% trong số đó là doanh nghiệp lớn, 2% là doanh nghiệp cỡ vừa, còn lại
96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đó là một thực tế đáng kinh
ngạc và không lấy gì làm lạc quan, khi mà đại bộ phận lên tới hơn 90%
doanh nghiệp Việt Nam lại là những doanh nghiệp quá nhỏ, khả năng tồn
tại luôn bị đặt dấu hỏi chứ chưa nói gì tới việc cạnh tranh hay phát
triển.
Sự yếu kém của
các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khiến cho hầu hết mọi hiệp định kinh
tế hay thương mại quốc tế được ký kết trong vài năm gần đây đều không
đem lại nhiều lợi ích. Vì người chơi quan trọng nhất và có tầm ảnh hưởng
lớn nhất trong các hiệp định kinh tế thương mại quốc tế là giới doanh
nghiệp tư nhân, khi giới doanh nghiệp trong nước quá yếu thì cơ hội tận
dụng những thuận lợi mà hiệp định đem lại là rất thấp, thậm chí còn có
thể bị doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng quy định của hiệp định kinh tế
thương mại để thôn tính và sáp nhập.
Nói cách khác,
Việt Nam đang tìm cách xây nhà từ nóc, cố gắng tìm cách ký thật nhiều
các hiệp định thương mại và đối tác kinh tế với các nước trên thế giới,
trong khi lại ràng buộc và không chịu tìm cách hỗ trợ phát triển doanh
nghiệp tư nhân trong nước vốn là hạt nhân chủ đạo đem về lợi ích từ các
hiệp định đó.
Thực tế đó càng
đáng lo ngại hơn khi Việt Nam chuẩn bị bước vào tiến trình thực hiện hai
hiệp định kinh tế quan trọng, là cộng đồng kinh tế ASEAN AEC và Hiệp
định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Đặc biệt là AEC, khi các quy
định của hiệp định này đang xóa đi phần lớn rào cản bảo hộ doanh nghiệp
trong nước và cho phép doanh nghiệp nước ngoài không những cạnh tranh
trực tiếp mà còn có thể thâu tóm các doanh nghiệp bản địa. Một viễn cảnh
không lấy gì làm tốt đẹp khi nghĩ đến việc 96% doanh nghiệp tư nhân
Việt Nam là doanh nghiệp lợi nhỏ và siêu nhỏ sẽ ra sao trước các tập
đoàn và công ty hùng mạnh nước ngoài khi Việt Nam phải mở cửa thị trường
theo lộ trình của AEC và TPP.
Đã xuất hiện những
cảnh báo rằng nếu như Việt Nam không có chính sách hỗ trợ phát triển
đặc biệt giới doanh nghiệp tư nhân, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ nhanh
chóng bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp nước ngoài thông qua việc thâu
tóm các doanh nghiệp tư nhân cỡ nhỏ trong nước vốn chiếm hơn 90%. Nền
kinh tế Việt Nam khi đó sẽ chỉ còn các doanh nghiệp nhà nước chiếm
khoảng 1/3 quy mô nền kinh tế, còn gần 2/3 còn lại sẽ nằm trong tay các
ông chủ nước ngoài.
Dĩ nhiên điều đó
cũng không có vấn đề lắm, như một số nước hiện nay đang thực hiện như
Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận để sự ổn
định hay suy thoái nền kinh tế phụ thuộc vào giới đầu tư nước ngoài,
thay vì đặt nó vào trong tay giới doanh nghiệp trong nước. Nếu người
Việt Nam không muốn chỉ là người làm thuê trên chính đất nước của mình,
thì đã đến lúc cần phải cởi trói cho giới doanh nghiệp tư nhân trong
nước.
Nhàn Đàm (bài viết có tham khảo các thông tin từ VCCI và VNeconomy)