CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series bài viết về "Những cuộc đối đầu trong kinh doanh kéo dài nhất trong lịch sử". Kỳ
này chúng tôi xin giới thiệu về cuộc chiến giữa hai đối thủ truyền kiếp
trên thị trường tiêu dùng thế giới là P&G và Unilever.
Procter & Gamble (P&G) là tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới với tổng doanh thu năm 2014 đạt 80 tỷ USD và khoảng 200 nhãn hiệu. Trong khi đó, công ty Unilever đứng ngay sau P&G với doanh thu 57 tỷ USD và 400 nhãn hiệu.
Cả hai doanh nghiệp này hoạt động chủ
yếu trong mảng sản phẩm tiêu dùng cá nhân và gia đình. Tuy nhiên, hãng
Unilever còn tham gia kinh doanh trong ngành thực phẩm và giải khát, còn
P&G lại dần rút lui khỏi mảng kinh doanh này từ năm 2011.
Hiện tại, chiến lược kinh doanh của hai
tập đoàn lớn này trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng có vẻ đang trái
ngược khi P&G đặt mục tiêu giảm số thương hiệu mà hãng nắm giữ xuống 100 trong năm nay, còn Unilever lại muốn tăng số nhãn hàng mà hãng sở hữu.
Rõ ràng, tập đoàn P&G đang trong quá
trình tái cơ cấu sau nhiều năm mở rộng và thu hẹp số thương hiệu sản
phẩm. Trái ngược lại, Unilever lại đang tăng cường mở rộng kinh doanh
nhằm bắt kịp vị trí số 1 của đối thủ truyền kiếp trong ngành.
P&G: Lý thuyết Pareto
Theo lý thuyết Pareto, 80% doanh thu của
công ty thường đến từ 20% dòng sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp.
Năm 2014, tập đoàn P&G đã được trải nghiệm lý thuyết này khi 80
trong 200 nhãn hàng của họ đem lại 86% doanh số và hơn 95% lợi nhuận.
Trước tình hình khoảng 100-120 thương
hiệu sản phẩm không đem lại nhiều lợi nhuận cho P&G, công ty đã thực
hiện chương trình “củng cố thương hiệu” để thoát khỏi tình trạng này.
Theo đó, tập đoàn đã bán, sáp nhập hoặc
phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) nhằm thu hẹp số thương hiệu sản
phẩm mà hãng nắm giữ. Tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng số 1 thế giới này
cho biết sẽ cố gắng hoàn thành chương trình củng cố thương hiệu trong
năm nay và sẽ tập trung vào những nhãn hàng đem lại nhiều lợi nhuận cũng
như có tiềm năng phát triển nhất.
Chương trình củng cố thương hiệu này của
P&G không phải là động thái cắt giảm cấu trúc hoạt động hay tái cơ
cấu tăng trưởng và lợi nhuận. Theo nhiều chuyên gia, quyết định này của
P&G sẽ chỉ khiến doanh số của công ty suy giảm khoảng 14% nhưng lại
giải phóng được nguồn lực từ những thương hiệu sản phẩm này.
Quan trọng hơn, kế hoạch này của P&G
sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận do tập đoàn không còn
phải chịu gánh nặng từ những thương hiệu hoạt động không hiệu quả nữa.
Theo dự kiến, công ty cuối cùng thực tế sẽ chỉ sở hữu 65 nhãn hiệu hoạt động trong 10 loại sản phẩm.
Tập đoàn tuyên bố rằng họ là doanh nghiệp đứng đầu về thương hiệu của 7
trong 10 loại sản phẩm trên và đứng thứ 2 về 3 loại còn lại.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ đủ khả năng để
tập trung phát triển thị trường theo phân khúc vị trí địa lý. Tập đoàn
P&G dự đoán 5 thị trường đứng đầu của mỗi loại sản phẩm trên sẽ đem
lại 54-98% lợi nhuận cho công ty trong phân khúc kinh doanh đó.
Rõ ràng, tập đoàn P&G có kế hoạch
tập trung vào những thế mạnh của mình, đó là vị thế đứng đầu tại các thị
trường và khu vực. Kế hoạch cải tổ của P&G nếu kết hợp với vị trí
số 1 tại nhiều thị trường dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và
lợi nhuận của công ty.
Như vậy, chiến lược của P&G thời
điểm hiện nay không phải là cắt giảm quy mô như nhiều lo ngại của nhà
đầu tư mà là tập trung vào những thế mạnh cốt lõi để thúc đẩy tăng
trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận.
Unilever: Tái cơ cấu mảng kinh doanh cốt lõi
Giám đốc điều hành Paul Polman của
Unilever đã tuyên bố vào năm 2014 rằng công ty đang nhắm đến các thương
hiệu sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và có khả năng mua lại những ngãn hàng
này, đặc biệt là những sản phẩm thuộc dòng cao cấp.
Trước đó, báo cáo hoạt động kinh doanh
của Unilever cũng cho thấy công ty đang sử dụng khoản tài chính thu được
từ mảng kinh doanh thực phẩm để tài trợ cho việc mở rộng lĩnh vực sản
phẩm chăm sóc sắc đẹp.
Trong báo cáo cuối năm 2014, ông Polman
cũng cho biết các hoạt động sáp nhập và mua lại mảng kinh doanh sản phẩm
chăm sóc sắc đẹp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Unilever năm
2015.
Rõ ràng, Unilever đang có tham vọng bắt
kịp vị trí số 1 của đối thủ P&G, hiện đang là một trong những công
ty đứng đầu trong mảng kinh doanh chăm sóc sắc đẹp.
Trong năm 2014, Unilever không có thương
vụ sáp nhập lớn nào tại mảng chăm sóc sức khỏe cá nhân và thị phần lĩnh
vực sản phẩm chăm sóc tóc và da của hãng đã bị suy giảm. Tuy nhiên, đầu
năm 2015, tập đoàn đã thực hiện 3 vụ mua lại và sáp nhập (M&A) và
nhiều chuyên gia dự đoán Unilever sẽ còn tiếp tục các thương vụ M&A
trong năm 2015.
Tuy nhiên, động thái mở rộng kinh doanh
mảng chăm sóc cá nhân của Unilever đi cùng với quyết định suy giảm hoạt
động của hãng này khỏi mảng thực phẩm và giải khát. Trong năm 2014,
Unilever đã bán 7 thương hiệu sản phẩm có tăng trưởng chậm và cho biết
những nhãn hàng không cốt lõi của công ty sẽ được tách ra thành một
doanh nghiệp hoạt động riêng.
Giám đốc điều hành Polman cũng tuyên bố
rằng tập đoàn sẽ tập trung vào những hoạt động kinh doanh cốt lõi, đồng
thời tái cơ cấu danh mục đầu tư vào các thương hiệu.
Những tuyên bố trên cho thấy việc mở
rộng cấu trúc hoạt động kinh doanh là một mục tiêu quan trọng của
Unilever nhưng tái cơ cấu và tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi có ưu
tiên cao hơn.
Phân khúc kinh doanh thực phẩm đã đem
lại mức lợi nhuận trước thuế khả quan cho Unilever nhưng tăng trưởng
doanh thu của công ty lại giảm tốc những năm gần đây. Nhiều chuyên gia
cho rằng phân khúc kinh doanh thực phẩm đang bị dịch chuyển dần khỏi
mảng kinh doanh cốt lõi của Unilever và tập đoàn đang chuyển trọng tâm
sang mảng mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cao cấp.
Nếu so sánh P&G và Unilever, dù
chiến lược của 2 tập đoàn này không giống nhau nhưng mục tiêu chung đều
là thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận. Trong khi P&G cắt giảm số
thương hiệu sản phẩm của mình thì Unilever tái cơ cấu mảng kinh doanh
cốt lõi, hay nói cách khác, dù chiến lược có khác biệt nhưng phương
hướng của 2 nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng hàng đầu thế giới này đều
giống nhau.
Hoàng Nam
Theo Trí Thức Trẻ