0915.489.819

Cuộc cách mạng năng lượng tái tạo trong thế kỷ 21/ Trở ngại- Giải pháp- Hành động

Cuộc cách mạng năng lượng tái tạo trong thế kỷ 21/ Trở ngại- Giải pháp- Hành động

 

Với nhu cầu tăng trưởng cao của Việt Nam và nhu cầu về năng lượng to lớn trong giai đoạn tới từ 2012-2020 Việt Nam mỗi năm cần bổ sung thêm 4000MW và sẽ thiếu hụt nguồn cung cấp năng lượng ngay từ năm 2013 như EVN vừa dự báo có thể sẽ phải bù lỗ đến 7000 tỷ đồng phát điện bằng diesel do thiếu nước các hồ thủy điện, trong khi điện diesel giá thành rất cao khoảng $30cent/kwh thì giải pháp điện gió là khả thi nhất cho những năm tới vì chỉ cần chính phủ điều chỉnh tăng giá mua điện gió từ $7,8 Cent hiện nay lên đến $12 cent và nhanh chóng đầu tư hệ thống truyền tải điện là lập tức các nhà đầu tư tư nhân sẽ bỏ tiền để đầu tư các nhà máy điện gió mà nhà nước sẽ không cần phải đầu tư, vừa tiết kiệm vốn ngân sách của nhà nước vừa giảm chi phí hơn một nửa so với phát điện bằng diesel, vừa cung cấp được một nguồn điện sạch, giảm thiểu phát điện bằng diesel, và điện nhập khẩu từ Trung Quốc, thúc đẩy mạnh mẽ nội địa hóa công nghệ điện gió để giảm giá và xuất khẩu thiết bị, tạo ra rất nhiều việc làm và những ngành công nghiệp phụ trợ cho điện gió, đóng góp tới trên 5% hơn 3000MW trong tổng nhu cầu năng lượng đến 2020, đưa Việt Nam vào các nước dẫn đầu Châu Á về điện gió. Các ngân hàng quốc tế như WB, ADB, US Eximbank, KFW.. đang sẵn sàng cho các dự án điện gió có hiệu quả vay vốn đầu tư, chính phủ cần nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho điện gió để thu hút nguồn vốn này.
 
Hội thảo về cơ chế của các ngân hàng cho vay các dự án điện gió GIZ tổ chức tại TP HCM. Năm 2012 là một năm sôi động để chờ các chính sách mới cho điện gió bùng nổ
 
Một nguồn điện lớn nữa đang rất lãng phí do chính sách mua điện của nhà nước quá thấp, quá chậm là điện Biomass, Biogas và điện từ rác thải sinh hoạt hiện được EVN mua với giá $4cent/kwh do vậy 41 nhà máy mía đường, và hàng chục vạn trang trại lớn nhỏ với gần 100 triệu tấn phân gia súc thải thẳng ra môi trường vì không dám đầu tư phát điện do bị lỗ, trong khi một đất nước nông nghiệp như Việt Nam với gần 100 triệu tấn rơm, rạ, trấu, vỏ các loại hạt, phế thải từ lâm nghiệp, các doanh nghiệp đều không dám đầu tư nhà máy điện Biomass vì chính sách giá điệu mua quá thấp, trong khi điện nhập khẩu từ Trung Quốc tăng từ 200 triệu Kwh năm 2005 lên hơn 4 tỷ KWh năm 2012 với giá tăng cao từ 5-$7cent và bị phạt do dùng ít hoặc nhiều hơn lượng điện đăng ký, và tổn thất truyền tải đã đưa giá điện này cao hơn nhiều. Do vậy việc giảm và chấm dứt phụ thuộc vào điện nhập khẩu của Trung Quốc cần làm ngay, để phát huy tinh thần tự lực, chủ động và cần xây dựng biểu giá FIT tăng giá ngay cho điện Biomass, Biogas, rác thải như điện gió là việc làm vô cùng cấp bách để tiềm năng hơn 1000MW của loại điện này được khai thác ngay, sẽ bảo vệ môi trường thiết thực nhất vì hàng chục vạn trang trại, làng nghề, các nhà máy sẽ không xả thải khí biogas lên trời vì đầu tư phát điện có lãi, và đầu tư hệ thống phát điện từ bã mía, trấu, biogas, rác thải...sản xuất điện cung cấp tại chỗ để sử dụng và cung cấp cho các trung tâm phụ tải của đất nước, giảm tải và tổn thất truyền tải điện cho lưới điện, tạo ra hàng vạn việc làm cho xã hội, bảo vệ môi trường đất, nước, không khí đang rất ô nhiễm do chất thải này và góp phần giảm ngay nạn thất nghiệp như hiện nay gây bất ổn xã hội.

 Một đất nước nông nghiệp như Việt Nam mỗi năm có hàng trăm triệu tấn chất thải vẫn chưa được sử dụng hiệu quả để tạo ra năng lượng và bảo vệ môi trường
 
 Nhà nước cần xây dựng sớm và ban hành bộ luật Năng Lượng Tái Tạo với sự đóng góp ý kiến của các hiệp hội năng lượng, các tổ chức trong nước và quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học để có luật hòa lưới điện NLTT và chính sách hỗ trợ rõ ràng cho NLTT, nhanh chóng mở cửa cho ngành năng lượng tái tạo có tiềm năng to lớn này bùng nổ với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế và toàn dân cùng sản xuất điện để tự đảm bảo về năng lượng cho mình giảm tải lưới điện cho nhà nước và luôn luôn chủ động trong mọi sự biến đổi của xã hội về thiên tai, bão lụt, thảm họa. Nhà nước sử dụng những nguồn quĩ cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của các tổ chức quốc tế cho Việt Nam vay để cho các hộ dân vay lại với lãi suất ưu đãi và không lãi trong 5-10 năm như nước châu âu đang làm, nhưng một mái nhà ở Việt Nam chỉ cần đầu tư bằng 1/20 so với họ khoảng từ 2000-4000USD. Các quĩ này sẽ kích thích các hộ dân các thành phố vay và cùng bỏ tiền tự đầu tư điện mặt trời hòa lưới, dự phòng giảm tải ngay lưới điện và chấm dứt sử dụng máy phát điện diesel ô nhiễm, chi phí cao. Trong khi nhà nước chưa kịp ban hành được biểu giá FIT hỗ trợ tiền mua điện mặt trời của dân và các tổ chức phát lên lưới, như các nước, thì giải pháp tính giá điện cho các hộ sản xuất điện mặt trời với giá cao điểm nhất, sử dụng hai đồng hồ đếm điện và có thể cho các hộ phát điện mặt trời hòa lưới sử dụng ban ngày dư thừa gửi lên lưới rồi buổi tối được lấy về sử dụng đúng bằng số điện đã gửi đó mà không phải trả tiền. Chính sách này sẽ làm bùng nổ ngay về điện hòa lưới tại các thành phố, và giảm tải, tiết kiệm cho nhà nước hàng tỷ đôla đầu tư các nhà máy điện và đường dây tải điện, tạo ý thức tiết kiệm và sự chủ động về năng lượng của người dân trong mọi tình huống thiên tai, thảm họa không bị động có điện mặt trời và nước mưa để sử dụng.
                         
Với hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ của cả nước, hơn một triệu hộ dân vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, nông thôn, miền núi còn thiếu điện thì giải pháp sử dụng điện mặt trời, điện gió, điện biomass, biogas tại chỗ, để thay thế cho máy phát điện diesel, và giảm nhiều lần chi phí đầu tư so với kéo đường dây điện tới những nơi biên giới, miền núi, hải đảo vừa không khả thi, tốn kém và mất hàng chục năm chờ đợi. Việc triển khai các dự án điện mặt trời, điện gió, thuỷ điện nhỏ cho miền núi, hải đảo thực hiện rất nhanh và giảm ngay tiền đầu tư của ngân sách cho việc kéo đường dây điện tới những vùng này, ngoài ra cả một giải pháp tổng thể rất sáng tạo về xây dựng những hồ chứa nước mưa trên núi, núi đá theo bậc thang như Israel đã từng làm để giữ nước, cho mùa khô và chăn nuôi, trồng trọt. Sử dụng túi đựng nước mưa từ 1-5m3 đang sản xuất cho nông thôn, miền núi, hải đảo, ngư dân và hàng triệu hộ dân các thành phố để giữ nước mưa sử dụng chống ngập lụt, chống nóng, chống thiếu nước, chống hút nước ngầm (giảm đầu tư so với nước ngoài 50 lần chỉ từ 50usd/1 hệ thống1m3 có bình lọc để uống, nhà nước nên tặng cho các hộ dân nghèo), tiết kiệm hàng tỷ khối nước mưa, giảm đầu tư hàng tỷ đôla cho cấp và thoát nước của các thành phố, nâng cao được ý thức tiết kiệm, kiến thức về sử dụng nắng, mưa, gió cho toàn dân như các nước phát triển mà cần rất nhiều năm mới có được, tạo ra rất nhiều việc làm cho đoàn thanh niên, sinh viên. Hàng triệu bộ đèn LED hiệu suất cao, đèn năng lượng mặt trời, gió sẽ thắp sáng cho ngư dân, biển đảo, biên cương của đất nước, được thay thế cho đèn đường thủy ngân, Sodium độc hại lãng phí điện ở các thành phố và sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác để tiết kiệm điện, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, xử lý môi trường nước, không khí, sử dụng nước mưa, xử lý nước thải, rác thải làm ra năng lượng...

TS. Nguyễn Văn Khải cùng đoàn CƠMCÓTHỊT và bộ đội lên lắp tặng điện mặt trời cho trường Nâm Ty – Điện Biên nơi lần đầu tiên có điện cho đèn LED, tivi, máy tính, điện thoại, chỉ một ngày dân bản vùng biên đã thấy anh sáng của ĐMT
 
Về nhiên liệu sinh học, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có nguồn nguyên liệu dư thừa cho xuất khẩu thô là sắn lát, với sản lượng sắn tươi khoảng 10 triệu tấn/năm, và xuất khẩu năm 2012 hơn 3 triệu tấn sắn lát khoảng 1 tỷ đôla. Tiềm năng to lớn cho sản xuất nhiên liệu sinh học để giảm nhập khẩu xăng, dầu, giảm ô nhiễm môi trường và giảm giá thành xăng sinh học, mang lại lợi ích kép cho đất nước. Nhưng cũng lại do chính sách của Việt Nam đến cuối 2014 mới pha xăng E5, quá chậm so với các nước Asean như Thái Lan, Philippin, Indonesia...họ ban hành chính sách rồi nhập Ethanol về pha xăng sinh học E10-E20, sau đó các nhà đầu tư mới bỏ tiền ra đầu tư nhà máy sản xuất Ethanol, Biodiesel. Các doanh nghiệp Việt Nam rất dũng cảm đi tiên phong đầu tư nhà máy để theo kịp các nước Asean vừa ra đời thì đã có nguy cơ phá sản. Trong khi người dân các nước Asean đang hưởng lợi lớn từ xăng sinh học E20-E85 giá rẻ và bảo vệ môi trường các thành phố, và sức khỏe người dân của họ, mặc dù họ đi ôtô chứ không phải hít khói bụi như hơn 30 triệu người đi xe máy ở nước ta, hàng năm bệnh phổi tăng rất cao, mất mát vô hình từ ô nhiễm môi trường không thể tính được. Thái Lan là bài học hay nhất khi thu nhập đầu người cao nhưng giá taxi chạy xăng sinh học, LPG, CNG chưa bằng một nửa Việt Nam. Các nhà máy Ethanol ra đời vừa tạo ra thu nhập từ trồng sắn cho hàng vạn hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo, vừa là cứu cánh cho nông dân không bị TQ ép giá mua sắn như hiện nay và giảm xuất khẩu sắn thô, tiết kiệm ngoại tệ nhập xăng dầu, tạo ra lợi ích về mọi mặt cho môi trường, cho nền kinh tế, giao thông vận tải, đang rất cần nhà nước tháo gỡ ngay về chính sách và hỗ trợ vốn. Vì đây là những ngành mới ra đời và cực kỳ quan trọng với đất nước trong lai nhưng đang gặp muôn vàn khó khăn so với các nước Asean.

                             
Tổng sơ đồ năng lượng của Việt Nam 2020-2030 cần điều chỉnh ngay cho NLTT lên 10%-2020 và 20%-2030 để không tụt hậu quá xa so với các nước Asean
                             
 Đề xuất với chính phủ và các bộ ngành cần phối hợp đồng bộ và tập trung ngay cho việc điều chỉnh bổ sung qui hoạch tổng sơ đồ Năng Lượng nói chung và Năng Lượng Tái Tạo(NLTT), Nhiên Liệu Sinh Học(NLSH) nói riêng, cần tăng ngay về năng lượng tái tạo trong tổng sơ đồ năng lượng của Việt Nam đến 2020 theo qui hoạch điện 7 từ 5,5% lên thấp nhất là 10% để qui hoạch về hệ thống truyền tải điện đáp ứng kịp thời cho các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời và biomass, biogas, rác thải, thủy điện nhỏ đang sẵn sàng với nguồn vốn lớn cho tăng trưởng xanh chờ mở cửa...bài học tốt nhất chính là bài học của Thái Lan, là nước có tiềm năng tương đối giống với Việt Nam và chính sách rất đúng đắn, khi tăng đến 25% về NLTT và NLSH thay thế tới 44% vào năm 2021. Trong khi Việt Nam có tiềm năng về điện gió hơn cả khối Asean cộng lại (theo WB 8,6% diện tích VN gió từ 6m/s trở lên, trong khi Thái Lan là 0,2%, Campuchia là 0,2% diện tích). Giảm tối đa đầu tư cho điện than vì vô cùng ô nhiễm môi trường và nguồn nhập khẩu than rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, kêu gọi các nhà đầu tư cho điện LNG để bù vào việc giảm nguồn cung cấp từ điện than và diesel việc này sẽ cân đối được giá thành khi giá điện vẫn tăng như hiện nay, nhiên liệu sinh học thay thế cần sử dụng xăng E10-E20-E85 và Biodiesel càng sớm càng mang lại lợi ích vô cùng to lớn, để chấm dứt xuất khẩu nguyên liệu thô. Điều chỉnh bổ sung này sẽ giúp Việt Nam đi đúng với xu hướng chung của thế giới và Asean về tăng trưởng xanh, bền vững và bảo vệ môi trường và không bị tụt hậu quá xa so với các nước như Lào và Campuchia trong khối Asean. Các hiệp hội được thành lập bởi những doanh nghiệp vô cùng dũng cảm và hết lòng với đất nước khi suốt năm năm qua tự bỏ tiền ra để xây dựng cho đất nước một ngành công nghiệp mới mà chưa có một đồng lãi nào, đang trên bờ vực phá sản, nếu chính sách và sự hỗ trợ của nhà nước không kịp thời và không trợ giá như các nước Asean. NLTT, NLSH và tiết kiệm năng lượng đã chứng minh hiệu quả trên toàn thế giới. Các hiệp hội và ủy Ban Dân Tộc Miền Núi đang cùng nhau đề xuất với nhà nước đầu tư cho hơn 1 triệu hộ dân nghèo miền núi, biển đảo, biên giới có điện, nước sạch đến năm 2020. Nếu chính sách và qui hoạch của các bộ ngành trình lên chính phủ mà thiếu tiếng nói, các đề xuất của các hiệp hội, các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học thì vẫn sẽ tụt hậu ngay so với các nước Asean như hiện nay và không đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường của chính phủ. Chúng ta đang rất lãng phí năng lượng và NLTT, đang có lỗi với đất nước các thế hệ tương lai.

Bài trình bày của ThaiLan tại hội nghị EEP Mekong                

Cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học kỷ 21 này sẽ là cuộc cách mạng tất yếu của thế hệ trẻ, và các thế hệ tương lai của đất nước khi không còn những nguồn năng lượng khác, cuộc cách mạng này sẽ đóng góp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Việt Nam, tiết kiệm hàng tỷ đôla cho đất nước mỗi năm, tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, là cánh tay của đất nước trong việc chống lại biến đôi khí hậu, giảm hiệu ứng nhà kính, chống ngập lụt, hạn hạn, và sự nóng lên của các thành phố, tiết kiệm năng lượng khi sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học. Thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngành kinh tế khác phát triển như nông nghiệp, giao thông vận tải, du lịch, kinh tế biển đảo, bảo đảm về an ninh năng lượng và an ninh quốc phòng cho đất nước, khai thác đúng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng to lớn của đất nước ta và theo kịp xu thế phát triển tăng trưởng xanh, bền vững của thế giới, đưa Việt Nam vào trong số các nước phát triển xanh sạch và bền vững trên thế giới. Để đạt được điều này chúng ta cần phải có một bộ máy đủ mạnh, đủ tầm, đủ tâm, đủ tài và tập hợp được các chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, để cùng chung sức vì lợi ích chung của tổ quốc là trên hết, sẵn sàng đảm bảo an ninh năng lượng trong mọi tình huống của đất nước, không bị phụ thuộc, bị động. Xây dựng một đất nước giầu mạnh, xanh sạch,và trong sạch là khát vọng của tuổi trẻ Việt Nam.

 

Đặng Quốc Toản – TGĐ- Asiapetro
Thành viên sáng lập hiệp hội Nhiên Liệu Sinh học và Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam
Ủy viên ban chấp hành hiệp hội công nghiệp môi trường miền nam