CHIẾN LƯỢC: RỐI RẮM hay ĐƠN GIẢN?
Chia sẻ bài viết khi nay là thời điểm cuối năm lúc mọi người và mọi tổ chức đều nhìn lại quá khứ và hướng đến tương lai, tổng hợp, phân tích, sắp xếp, phân loại và lựa chọn... hay nói cách khác là thiết kế chiến lược cho tương lai. Tin rằng khi các bạn đọc kỹ, hiểu sâu, luôn quan tâm con người và công việc bằng con tim yêu thương, lạc quan suy nghĩ bằng trí tuệ minh định, thảo luận truyền thông tích cực và hành động kiên trì theo nguyên tắc Đúng, Đủ, Đều thì các bạn sẽ đạt mục tiêu mong muốn và từ đó biến ước mơ của mình thành hiện thực. Đây là món quà Giao niên gửi đến các bạn mới tham gia và reminder với các bạn đã quên do bộn bề công việc trong năm.
CHIẾN LƯỢC: RỐI RẮM hay ĐƠN GIẢN?
Ngày nay, chúng ta có thể nghe rất nhiều về 2 từ chiến lược, có thể nghe ở mọi người, mọi cấp, mọi lúc, mọi nơi, có nhiều người nói thao thao bất tuyệt nhưng phần đông thường là rối rắm, khó hiểu, khó vận dụng, đặc biệt nếu ta chỉ cần hỏi lại 1 câu đơn giản: chiến lược là gì? Gồm những thành phần, thành tố nào ? Thì thường sẽ nhận được thái độ khó chịu, hay sự lúng túng của người nói mà không có câu trả lời thuyết phục và rõ ràng.
Vậy chiến lược là gì? Nó gồm những những thành tố nào, qua thực tế nghiên cứu về cách thiết kế, xây dựng và triển khai chiến lược, rồi ứng dụng thực tế thành công vào nhiều tổ chức, loại hình công ty từ MNCs đến SMEs trong gần 30 năm qua, theo yêu cầu của team, trong giới hạn nhất định, tôi xin cố gắng chia sẻ khái niệm này một cách khái quát và cụ thể, hy vọng rằng dù khái quát mà không thiếu, dẫu chi tiết mà chẳng thừa, từ đó có đúc kết thật ngắn gọn về chiến lược, cách lập chiến lược và triển khai sao cho hiệu quả để các bạn trẻ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng và dễ ... thành công.
Hiểu một cách đơn giản, chiến lược là con đường (giải pháp, phương cách) giản lược nhất, phù hợp nhất, hiệu quả nhất giúp ta tương tác với Tam đối trong điều kiện và nguồn lực chủ quan hiện có, vượt qua môi trường hoạt động, kinh doanh khách quan, để Chiến đấu và chiến thắng, chiếm lĩnh (đạt được) mục tiêu trong khoảng thời gian cho phép, thời gian này là trung và dài hạn (tính bằng năm thậm chí hàng chục năm)
Vì sao cần chiến lược và lợi ích của chiến lược là gì? Khi có chiến lược đúng và thực hiện đủ sẽ đem lại hiệu quả về đầu tư, từ tâm sức, thời gian, đến tài chính, ... đạt mức tốt nhất và cao nhất cùng các lợi ích vô hình. Nếu không có chiến lược hay khi chiến lược và việc thực hiện sai lầm thì thiệt hại thường khó lường, sẽ tổn thất nhiều, thậm chí tổn thương lớn mà kết quả thu nhận không bao nhiêu, thậm chí không kết quả hay bị âm vốn, phá sản, mất niềm tin...
Do vậy, doanh nghiệp cần hết sức quan tâm và thận trọng khi làm chiến lược. Cụ thể, một chiến lược được lập dựa trên 5 thành tố quan trọng gồm
1. Mục tiêu,
2. Tam đối,
3. Nguồn lực và hiện trạng,
4. Môi trường hoạt động và kinh doanh,
5. Cuối cùng là thời gian và thời hạn.
Đây là các thành tố quan trọng cần quan tâm, tìm hiểu, làm rõ, phản biện và thống nhất một cách hợp lý, khả thi trong hệ thống khi hoạch định hay xây dựng chiến lược.
Cần chú ý rằng với mục tiêu thì cần phải đạt Tam Định (Định tính, Định lượng và Định thời) cũng như phải đủ cao để với và đủ gần để tới hay SMART. Riêng về Tam đối, (tức đối tượng mục tiêu; đối tác và đối thủ) từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng đây là thành tố rất quan trọng mà hầu hết mọi người bỏ qua nên chiến lược làm ra không được phù hợp, không được hiểu đúng, không được khả thi, hay khi triển khai không được trọn vẹn, không được hiệu quả. Lưu ý rằng dù B2B, B2C, B2G, ...hay gì đi chăng nữa thì vẫn chỉ là H2H hay P2P tức Con người hướng đến Con người.
Về mạnh hay yếu của nguồn lực và hiện trạng, không có một định lượng tuyệt đối về vấn đề này. Có thể tham khảo Lục Lực (LTC). Cách đánh giá mạnh hay yếu cần chú ý so sánh đối chiếu với mục tiêu, nếu nó giúp ta đạt mục tiêu dễ hơn nhanh hơn thì là điểm mạnh còn nếu cản trở việc đạt mục tiêu sẽ là điểm yếu. Đối với môi trường hoạt động và kinh doanh, người lập chiến lược cần quan tâm những yếu tố khách quan bên ngoài, như kinh tế tế, chính trị, xã hội, thành tựu KHCN,... (có thể tham khảo CPESTI theo LTC) từ đó có cái nhìn rõ ràng về Nguy và Cơ. Nếu thuận lợi để đạt mục tiêu là Cơ và nếu khó khăn cho việc đạt mục tiêu là Nguy. Nguy hay Cơ phụ thuộc vào tính thích nghi của cá nhân hay tổ chức với các yếu tố khách quan này.
Dĩ nhiên, chiến lược dù lớn hay nhỏ, cho cá nhân, phòng ban, hay tổ chức đều phải xác định rõ thời gian và thời hạn. Thời gian cho chiến lược phải hướng về tương lai, thời hạn cho chiến lược thường tính bằng năm, thời hạn dài hay ngắn phụ thuộc năng lực tư duy, tổng hợp thông tin, phân tích dữ liệu,... dự báo của cá nhân hay tổ chức.
Đến đây có lẽ nhiều người sẽ tò mò hỏi thêm, như vậy liệu những ai cần tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược? Câu trả lời là người triển khai và thực hiện chiến lược là người chính, ngoài ra cần các thành viên liên quan, tích cực cho cả hàng dọc (ít nhất là trên 1 cấp và dưới 1 cấp) và hàng ngang (các bộ phận chức năng tương đương có tương tác khi triển khai chiến lược). Với cấp cao nhất CEO cùng HĐQT nên mời những đối tác chiến lược thực sự cùng tham gia trong giai đoạn đầu (tổng hợp và phân tích thông tin) giai đoạn sau chi tiết thì nên làm nội bộ. Chiến lược nên đi từ tổng quát đến chi tiết, từ chiến lược công ty đến chiến lược kinh doanh, chiến lược chức năng, chiến lược triển khai, chiến lược giám sát đánh giá,... để đảm bảo tính ổn định và hệ thống xuyên suốt chiến lược, triển khai linh hoạt thích ứng mà không mất kiểm soát, bám sát thực tiễn và kịp thời hiệu chỉnh.
Sau khi hoàn tất quá trình rất vất vả, và nhiều khi làm vật vã tổng hợp, phân tích, chọn lọc, sắp xếp ưu tiên,... của cả tập thể có năng lực làm việc tích cực mới xong chiến lược, thì doanh nghiệp có thể và nên rút gọn tóm tắt trong vài trang theo cấu trúc, mô hình, câu khẩu quyết dễ lưu, dễ nhớ.
Chiến lược nên Khoe hay Che? Về nguyên tắc thì chiến lược cần truyền thông cho tất cả những người liên quan trong quá trình thực thi biết để cùng hành động, phối hợp nhịp nhàng nhằm đạt mục tiêu chung. Ở một số nơi, chiến lược thường bị che dấu bởi vì hoặc họ không có chiến lược, hay chiến lược làm chưa tới, chưa hoàn chỉnh; hoặc họ sao chép chiến lược;... hoặc không ý thức được Chiến lược là như đã giải thích. Chú ý rằng khi chiến lược dựa trên chính mình với đặc điểm riêng có của mình thì không không ai có thể làm tốt như mình được nên không cần sợ người ta biết, người ta sao chép.
Vậy đấy! Chiến lược rối rắm hay đơn giản là do sự quan tâm, suy nghĩ, tích hợp nguồn lực trong quá trình thiết kế, hoạch định cho đến khi triển khai. Chiến lược là chọn lựa (CL là Chiến Lược cũng là Chọn Lựa) tuỳ thuộc sự chọn lựa của bạn! Chúc bạn thành công với sự lựa chọn của mình! Thân ái
Ly Truong Chien
Chien Lytruong (Facebooker)