Khi trẻ em dần lớn lên, chắc chắn ít nhiều sẽ mắc lỗi,, các bậc cha mẹ trong việc đối mặt với những tình huống này, cần phải giữ bình tĩnh, không lập tức chỉ trích chúng. Hãy thử hỏi một vài câu hỏi và chỉ ra để cho trẻ biết phải trái. (Ảnh: Fotolia)
Nếu một ngày nào đó, bạn phát hiện con mình đã lấy trộm đồ của người khác, thì bạn phải làm sao? Và khi trẻ đã biết việc mình làm là sai trái, là cha mẹ bạn sẽ xử sự thế nào? Trẻ con rất nhiều khi không phải là cố ý phạm sai lầm, vụng trộm lấy đi một thứ gì đó cũng chưa chắc biết đó là hành vi “ăn trộm” mà có thể chỉ là do nghịch ngợm hay cảm thấy thích thích mà thôi. Những lúc như vậy, lời nói và việc làm của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của trẻ.
Đây là một câu chuyện có thật đã xảy ra ở một cửa hàng Mc Donald, do một chuyên gia giáo dục trẻ em kể lại.
***
Lúc đó ở bàn ăn, có một người mẹ đang nói với cậu con trai tầm 4 – 5 tuổi: “Mẹ không xin phép mà lại uống hết sữa chua của con thì con có thấy giận không?” Cậu bé nước mắt lưng tròng gật đầu.
Sau đó người mẹ chuyển giọng nghiêm khắc, nhưng không có vẻ giận giữ:“Con lấy giấy vệ sinh trong phòng vệ sinh rồi nghịch hỏng hết, cô quét dọn vệ sinh sẽ phải chịu trách nhiệm, cô ấy có giận không?” Cậu con trai đỏ mặt, gật gật đầu.
Nhà Quảng Cáo
Lúc này người mẹ lấy ra từ phía sau một hộp sữa chua, rồi nói: “Mẹ sai rồi, lẽ ra mẹ không nên uống hết hộp sữa của con mà không nói trước, giờ mẹ trả lại cho con một hộp khác. Còn việc của cô quét dọn vệ sinh, chúng ta phải xử lý thế nào đây?
Cậu bé đắn đo rồi nói:“Con không biết mẹ ạ!”
“Mẹ tin tưởng ở con, con sẽ tìm ra biện pháp đấy, con thử suy nghĩ xem!”
Cậu bé với vẻ mặt trầm ngâm suy nghĩ rồi đột nhiên tươi hẳn lên và nói:“Vậy thì con sẽ cho cô ấy kẹo que mà con thích ăn nhất có được không mẹ?”
Người mẹ đi theo cậu con trai nhỏ đến cửa hàng bên cạnh mua một gói kẹo que. Sau đó, cô khích lệ cậu bé tự đi tặng kẹo một mình, cậu bé có vẻ lưỡng lự nhưng cuối cùng vẫn quyết định đi vào cửa hàng Mc Donald.
Cậu bé đi vào và nói mấy câu liền, nhưng vì là một đứa trẻ nên những nhân viên bận rộn ở đây không có ai để ý tới cậu. Trong khi đó, mẹ cậu bé vẫn một mực đứng ở ngoài cửa kiên nhẫn chờ đợi.
Cuối cùng, một người quản lý đã nhìn thấy cậu bé và nhận ra cậu có gì đó muốn nói. Anh ta liền đi tới và hỏi:“Cháu cần giúp đỡ sao?”
Cậu bé nói với người quản lý:“Cháu muốn xin lỗi ạ!”
Người quản lý có vẻ không hiểu, nhưng vẫn lắng nghe cậu bé nói từng chữ từng chữ không liền mạch.
Cậu bé lại tiếp tục nói: “Lúc nãy vì thấy thú vị nên cháu đã rút nguyên một cuộn giấy vệ sinh ra rồi nghịch hỏng hết. Nếu cháu tặng kẹo que mà cháu thích ăn nhất cho cô dọn vệ sinh, thì cô có tha lỗi cho cháu không?”
Người quản lý hướng mắt ra ngoài và nhìn thấy mẹ cậu bé đang đứng, liền nở nụ cười với mẹ cậu bé rồi nhận gói kẹo, còn nhẹ nhàng nói lời cảm ơn cậu bé. Nét mặt cậu lập tức rạng rỡ tươi cười hẳn lên rồi quay người chạy ra ngoài tìm mẹ như thể cậu đã vừa làm được một việc gì đó lớn lao…
Người mẹ này khi phát hiện ra con trai lấy đồ của người khác nghịch và còn làm hỏng mất, nhưng cô ấy không hề quát mắng hay đánh đập mà lại nhẹ nhàng chỉ bảo cho con một bài học. Bài học giúp trẻ hiểu rõ rằng hành vi này sẽ gây tổn thương đến chính mình và làm tổn thương đến người khác, đồng thời giúp con hiểu được đây là hành vi sai trái.
Sau đó, người mẹ lại đưa ra một hộp sữa khác, trả lại cho cậu bé và còn nhận lỗi của mình. Điều này khiến trẻ hiểu được rằng, nếu có làm sai rồi cũng không quá đáng sợ. Nhưng đã làm việc sai, chính bản thân phải tự nhận lỗi lầm, xin lỗi và phải gánh chịu trách nhiệm với hành vi mình gây ra. Vì thế, người mẹ đã để một mình cậu bé đi xin lỗi và nhận được sự tha thứ. Nguyên quá trình này, người mẹ không làm thay con mà chỉ cổ vũ khích lệ và giúp đỡ để con dũng cảm đối mặt và suy nghĩ biện pháp giải quyết vấn đề.
Tôi tin rằng, cậu bé sau khi học được bài học này cũng sẽ hiểu ra rất nhiều vấn đề, làm được rất nhiều việc và rất có ích cho tương lai sau này.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Mai Trà biên dịch