Thứ Ba, 27/1/2015, 20:06 (GMT+7)
Hùng Lê
Ông Nguyễn Văn Đua (trái) nêu ý kiến tại Tọa đàm -Ảnh: Hùng Lê
(TBKTSG Online) - Một trong những cách để phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo các doanh nghiệp, là chinh các cơ quan Nhà nước phải hỗ trợ họ bằng cách ưu tiên nhà thầu có cam kết sử dụng nhiều dịch vụ, sản phẩm sản xuất trong nước.
Đây là một trong những giải pháp về phát triển công nghiệp hỗ trợ được doanh nghiệp nêu tại Tọa đàm Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TPHCM do UBND TPHCM tổ chức vào chiều ngày 27-1.
Công nghiệp hỗ trợ trong ngành cơ khí là một trong những lĩnh vực mà thành phố ưu tiên phát triển hiện nay. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Phó chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh, tìm được khách hàng đối với doanh nghiệp cơ khí không hề đơn giản. Các khách hàng khi tìm đến một doanh nghiệp nếu thấy yếu về thiết bị, mặt bằng sản xuất, cơ cấu quản lý… thì họ không muốn làm việc tiếp.
Dù cho những doanh nghiệp này có thể chế tạo sản phẩm mẫu đạt chất lượng thì họ cũng không muốn đặt hàng vì quan ngại sự ổn định về chất lượng và tiến độ giao hàng.
Như vậy, doanh nghiệp phải đầu tư trước khi có yêu cầu của khách hàng, trong khi khách hàng không có cam kết nào sẽ đặt hàng sau khi doanh nghiệp đầu tư, nên đây là bài toán khó của doanh nghiệp cơ khí hiện nay, ông Tống chia sẻ.
Dù thành phố đã có các giải pháp hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp với khách hàng, nhưng do năng lực các doanh nghiệp chế tạo trong nước còn yếu, và trong nhiều trường hợp các doanh nghiệp đặt hàng ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cùng quốc tịch, nên việc kết nối chưa mang lại hiệu quả.
Theo ông Tống, thành phố phải đặt điều kiện tỉ lệ nội địa hóa một cách rõ ràng, và các nhà đầu tư phải có chính sách đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam và phải hỗ trợ kỹ thuật …để đảm bảo yêu câu này.
Ông Tống kiến nghị thành phố cần tạo thêm thị trường cho doanh nghiệp cơ khí chế tạo có đầu tư máy móc, thiết bị chất lượng cao, nhất là đối với các dự án dùng vốn ngân sách. Khi đánh giá hồ sơ dự thầu cần chấm điểm ưu tiên cho hồ sơ có sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, hoặc trong hồ sơ mời thầu có điều khoản yêu cầu sử dụng một tỉ lệ nhất định sản phẩm trong nước sản xuất.
Đơn cử khi mở gói thầu làm hệ thống tàu điện ngầm (Metro), Thành phố nên có yêu cầu nhà thầu phải sử dụng một tỉ lệ nhất định sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước (vì một số doanh nghiệp cơ khí trong nước có đầu tư thiết bị công nghệ cao có thể tham gia chế tạo các sản phẩm này); đồng thời tăng khả năng chế tạo phụ tùng thay thế sau này khi phải bảo dưỡng với chi phí tốt hơn nhập khẩu.
Bên cạnh kiến nghị trên, đại diện Hiệp hội Cơ khí TPHCM còn kiến nghị Thành phố cần nghiên cứu đề nghị Chính phủ xây dựng biểu thuế nhập khẩu hợp lý để kích thích sản xuất trong nước vì hiện nay chính sách nhập khẩu của Nhà nước còn nhiều bất hợp lý.
Theo ông Tống, hầu hết các loại máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ khi nhập khẩu đều hưởng thuế suất bằng 0%, trong khi chế tạo trong nước, phải nhập một số linh kiện phụ tùng thì thuế suất nhập khẩu có loại lên đến 20-25%. Vô hình trung, điều này khiến cho sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước phải chịu thuế nhập khẩu, như vậy đẩy giá thành sản phẩm chế tạo trong nước lên, làm giảm tính cạnh tranh.
Mặt khác, các thiết bị đồng bộ nhập làm tài sản cố định của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa được hưởng thuế VAT là 10%. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu chọn dây chuyền thay vì chế tạo một phần trong nước.
Thực tế những vướng mắc về chính sách và hỗ trợ của Nhà nước đã cản trở sự phát triển không chỉ riêng đối với doanh nghiệp ngành cơ khí mà liên quan đến hầu hết các doanh nghiệp trong các lĩnh vực hỗ trợ khác như dệt may, da giầy, ô tô, điện tử,...
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang cũng nhìn nhận, ngành công nghiệp hỗ trợ của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng hiện nay vừa thiếu, vừa yếu. Cụ thể nhất là nhiều tập đoàn công nghệ cao lớn của thế giới đã lựa chọn đầu tư ở Việt Nam như Intel, Samsung… nhưng số lượng doanh nghiệp trong nước có khả năng cung ứng các linh kiện, nguyên liệu... chiếm tỉ trọng rất nhỏ.
Nguyên nhân chính theo ông Cang là do các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay không trực tiếp và chưa sát với đặc thù lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách này không có ưu đãi hơn so với các chính sách hiện hành áp dụng chung cho các ngành khác, đồng thời việc tiếp cận các hỗ trợ này cũng rất khó khăn đối với doanh nghiệp do có nhiều quy định bất cập.
Nhìn chung, theo ông Cang, Nhà nước vẫn chưa hỗ trợ mạnh mẽ, có chiến lược và có hiệu quả trong việc tạo sự chuyên nghiệp về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Công nghiệp hỗ trợ kém được xem là rào cản đối với mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và là trở ngại lớn trong việc phát triển công nghiệp trong nước.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, cho rằng để phát triển công nghiệp hỗ trợ, thành phố cần có danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thật cụ thể để hỗ trợ, đầu tư phát triển. Nếu xác định được danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần phát triển và có chiến lược thị trường rõ ràng thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư và cơ quan quản lý sẽ dễ dàng xem xem đánh giá hỗ trợ dự án đầu tư của doanh nghiệp hơn hiện nay.
Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến cũng đồng tình việc cần phải lựa chọn ra một số lĩnh vực then chốt nhất được xem là yếu tố cơ bản để hỗ trợ đầu tư chứ không thể đầu tư dàn trải mỗi thứ một ít.
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề kiến nghị Thành phố cần thành lập công ty cho thuê tài chính với lãi suất được Thành phố hỗ trợ, hoặc cho doanh nghiệp thuê máy móc thiết bị từ các công ty cho thuê tài chính với sự hỗ trợ bù lãi suất tương tự như vay vốn ngân hàng để doanh nghiệp có thể thuê máy móc thiết bị với nguồn lực tối thiểu vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có đủ tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Về nhà xưởng, doanh nghiệp kiến nghị Thành phố cần thực hiện các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như tiền thuê mặt bằng sản xuất, chi phí đầu tư mặt bằng, miễn giảm hoặc cho nợ dài hạn tiền sử dụng đất đầu tư làm nhà xưởng sản xuất...
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, từ đầu năm nay, Nhà nước đã có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cho doanh nghiệp hỗ trợ với thuế suất ưu đãi giống như doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao, như được hưởng thuế suất 10% trong 15 năm, được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Hùng Lê