Cần những tầm nhìn vượt thời gian
Cần những tầm nhìn vượt thời gian
Hồ Vinh
(TBKTSG) - Bài viết Lãnh đạo và tầm nhìn trên TBKTSG số 51-2014 nêu lên một số quan điểm về tầm nhìn của người lãnh đạo trong tổ chức, trong đó, tác giả đã có những phân tích sâu sắc về những rủi ro khi bổ nhiệm người lãnh đạo chưa sẵn sàng. Bài viết này chia sẻ thêm một góc nhìn khác về chủ đề này.
Trước hết, cần phân biệt chức năng, vai trò, tính chất của quản lý và lãnh đạo. Quản lý thiên về khoa học, đòi hỏi những phương pháp, công cụ khoa học, và năng lực tư duy logic. Lãnh đạo lại thiên về nghệ thuật, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế, sức thu hút…
Năng lực quản lý thường được hình thành và phát triển theo thời gian thông qua quá trình đào tạo, huấn luyện hoặc qua chính quá trình làm việc. Năng lực lãnh đạo lại phụ thuộc nhiều hơn vào tố chất, mặc dù việc đào tạo, học hành, kinh nghiệm làm việc cũng có đóng góp phần nào.
Người lãnh đạo, bằng uy tín, phong thái, hay một tố chất đặc biệt nào đó của mình, thường có sức ảnh hưởng lớn và có khả năng thu hút, lôi kéo được người khác đi theo con đường mà mình chọn để đạt được một mục tiêu nào đó. Nhà lãnh đạo không nhất thiết phải có những năng lực thực thi cụ thể như lập kế hoạch, phân công, phân nhiệm, tổ chức, kiểm soát... như nhà quản lý, mà chỉ cần có tầm nhìn để chọn đúng hướng đi, đúng mục tiêu, và biết cách thu phục những nhà quản lý khác để tổ chức thực thi.
Một người lãnh đạo giỏi có thể có một tầm nhìn rất xa, vượt qua giới hạn sức khỏe, tuổi thọ và năng lực thực thi của chính mình. Họ có thể “thấy” được tương lai hàng trăm năm; có thể hình dung được những sứ mệnh mà hàng triệu người phải thực hiện, và những mục tiêu chỉ có thể đạt được sau nhiều thế hệ. Khi đó, tầm nhìn không còn là “điểm giao nhau” giữa tiềm năng tổ chức và năng lực tối đa của người lãnh đạo nữa.
Những công ty hàng đầu thế giới đã có tầm nhìn (vision) được xây dựng cách đây hàng trăm năm, qua bao thế hệ giám đốc, tổng giám đốc, thành viên hội đồng quản trị; và bản thân những người lãnh đạo đưa ra tầm nhìn ngày ấy, giờ cũng đã không còn. Thế nhưng, bất chấp tuổi tác và chuyện sống, chết của người lãnh đạo, bất chấp việc người đó có đủ sức khỏe, thời gian hay năng lực để thực thi hay không, công ty vẫn phát triển và ngày càng tiến tới viễn cảnh đúng như dự đoán của người lãnh đạo thuở ấy. Và những nhà lãnh đạo giỏi ngày nay cũng luôn hướng đến những tầm nhìn vượt thời gian theo cách như vậy, không phụ thuộc vào tuổi tác, năng lực thực thi của bản thân mình.
Tầm nhìn là một hoài bão - một viễn cảnh được kỳ vọng - mà người lãnh đạo muốn (và tin) rằng tổ chức của mình sẽ vươn tới. Viễn cảnh đó có thể rất xa, có thể vượt thời gian, không gian; có thể đòi hỏi nhiều thế hệ lãnh đạo kế tục mới trở thành hiện thực. Viễn cảnh đó không nhất thiết phải nằm trong “tầm với” của người lãnh đạo hiện tại theo nghĩa người ấy phải có khả năng khai thác, xử lý ngay trong nhiệm kỳ của mình. Những mục tiêu doanh thu hay lợi nhuận trong vài ba năm thực chất chỉ là những mục tiêu ngắn hạn, thậm chí là rất ngắn so với tầm nhìn rất xa mà người lãnh đạo muốn nhìn thấy ở một công ty.
Một người lãnh đạo đúng nghĩa sẽ không dựa vào năng lực của riêng mình để đề ra tầm nhìn hay sứ mệnh. Một người lãnh đạo có tố chất thực sự phải thấy được viễn cảnh mà cả đội ngũ trong tổ chức sẽ phải theo đuổi, và có thể sẽ mất nhiều thế hệ lãnh đạo mới có thể vươn tới viễn cảnh này.
Một tầm nhìn ngắn hạn (cho phù hợp với năng lực của mình) sẽ làm cho người lãnh đạo bị mắc kẹt trong lối tư duy chụp giật, “ăn xổi, ở thì”, không thể đem lại điều gì lớn lao cho tổ chức và cũng không thể huy động được sức mạnh đội ngũ để cùng “phất cờ tụ nghĩa”.