0915.489.819

Các doanh nghiệp tư nhân khó lớn, vì sao?

Các doanh nghiệp tư nhân khó lớn, vì sao?

Hầu hết doanh nghiệp tư nhân phất lên một cách ngoạn mục trong thời gian gần đây đều liên quan đến tài nguyên, bất động sản và tài chính ngân hàng. Ảnh: Thanh Tao.

- Ba mươi năm cải cách ở Việt Nam đã giúp không ít doanh nhân tích lũy nhiều của cải, song chưa tạo ra được một thế hệ các nhà công nghiệp gắn liền tên tuổi và sự nghiệp của mình với sự hình thành và phát triển các cụm, ngành công nghiệp quốc gia. Vì sao?

>>> Quan trọng nhất là phải tư duy kinh tế thị trường

Khi ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, tuyên bố giảm giá bán tới 50% những căn hộ mà tập đoàn này xây dựng ở TPHCM cách đây hơn một năm, rồi sau đó thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản, ông đã gây ngạc nhiên cho thị trường. Song, điều đó - cùng với việc chuyển vốn sang các thị trường lân cận - vẫn giúp nhân vật này giữ vị trí là một trong những người giàu nhất Việt Nam.

Cũng vào đầu năm nay, tập đoàn Vingroup đã chuyển nhượng thành công tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn Vincom Center A ở TPHCM, trị giá tới 470 triệu đô la Mỹ. Thương vụ này, và nhiều thương vụ bất động sản nhanh nhạy khác đã giúp ông chủ của Vingroup Phạm Nhật Vượng giữ vững ngôi vị người giàu nhất Việt Nam.

Hai tập đoàn trên có thể coi là những trường hợp tiêu biểu nhất trong số các doanh nghiệp tư nhân phất lên một cách ngoạn mục trong thời gian gần đây. Hầu hết các doanh nghiệp này đều liên quan đến tài nguyên, bất động sản và tài chính ngân hàng. Trong báo cáo 500 doanh nghiệp lớn nhất Vietnam Report hàng năm vẫn thường xuất hiện tên hai doanh nghiệp trên và một số doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại cổ phần khác.
các yếu kém về thể chế đã giải thích sự phát triển thiên lệch và nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới đổ vỡ hàng loạt trong khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam

Là người có đóng góp nhiều cho sự hình thành của khu vực doanh nghiệp tư nhân, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh tỏ ra lo ngại: “Có nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam giàu lên nhanh chóng là do dựa vào khai thác tài nguyên, sở hữu bất động sản vì được cấp đất, tạo cơ chế. Khó mà nói họ đóng góp gì cho nền kinh tế về mặt đổi mới công nghệ, hay kỹ năng quản trị”.

Khu vực tư nhân ngày càng đông...

Số doanh nghiệp tư nhân đã tăng trên 7,7 lần với tốc độ bình quân 20% mỗi năm từ năm 2000, khi có Luật Doanh nghiệp, đến năm 2011, theo nghiên cứu của ông Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tuy nhiên, số doanh nghiệp tư nhân phát triển lên thành các tập đoàn lớn, có các sản phẩm nổi trội trên thị trường có thể át đi hàng nhập khẩu không nhiều.

Chỉ có 103 doanh nghiệp tư nhân lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2007, và tăng lên 225 năm 2012 theo báo cáo Vietnam Report VNR500. Những con số này rõ ràng là chẳng thấm tháp gì so với tổng số 545.000 doanh nghiệp tư nhân ghi nhận được đến năm 2012 trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Một nghiên cứu của bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, đã chỉ ra rằng “các doanh nghiệp nhỏ và vừa không lớn được”. Số liệu nghiên cứu cho thấy xét theo quy mô lao động theo Nghị định 56/2009 của Chính phủ, thì tỷ lệ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2002-2011 (từ 90% lên 95,6%). Năm 2011, chỉ có 2,1% các doanh nghiệp có quy mô vừa và 2,4% có quy mô lớn.

Điều này chẳng xa lạ gì với Nguyễn Văn B., giám đốc một công ty chuyên cung cấp phần mềm kế toán doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội. B. đã phải sa thải bớt nhân viên, trung bình mỗi ngày một người, từ giữa năm 2011 đến cuối năm 2012 do đơn hàng cạn kiệt. “Có những lúc áp lực căng thẳng đến mức không chịu nổi”, B. kể về thời gian phải thuyết phục các nhân viên nghỉ việc mà không dẫn đến khiếu kiện. Đến nay, công ty của B. còn gần 350 nhân viên, bằng quy mô của năm 2007.

Cũng đầu năm nay, Trần Văn Minh, giám đốc một công ty chuyên về giao nhận (forwarding) có trụ sở ở Hà Nội, cũng đã phải đóng cửa một chi nhánh ở TPHCM sau hơn hai năm duy trì. Bên cạnh đó, anh phải cắt giảm thêm bốn nhân viên ở văn phòng Hà Nội, để chỉ còn 20 người, bằng với số nhân viên của anh vào năm 2004, hai năm sau khi thành lập doanh nghiệp. “Đến nay thì tôi chỉ nghĩ làm sao duy trì được công ty là may lắm rồi”, Minh nói.

...Nhưng không mạnh

Công ty của hai vị giám đốc trên, đều thuộc quy mô nhỏ và vừa, vẫn còn may mắn hơn hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác đã phải đóng cửa trong gần ba năm qua, giai đoạn mà nhiều chuyên gia kinh tế cho là khó khăn nhất kể từ khi đổi mới. Sau hơn ba thập kỷ được chính thức xuất hiện trở lại trong nền kinh tế, sau khi có Luật Công ty, và Luật Doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn chưa thể cất cánh.

Theo ông Lê Duy Bình, thuộc Công ty Economica, nguyên nhân trên có lý do chủ quan từ các doanh nghiệp. Ông nói, đại bộ phận công ty tư nhân ở Việt Nam vẫn mang nặng tính gia đình, người chủ sở hữu thường đồng thời là người quản lý, giám đốc, quản đốc, cán bộ kỹ thuật... của công ty. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung chưa xây dựng được các kế hoạch kinh doanh lâu dài và bền vững với những mục tiêu, sứ mệnh được xác định rõ ràng. Triết lý phát triển, chiến lược, định hướng phát triển dài hạn... vẫn là những yếu tố xa vời với đại bộ phận doanh nghiệp.

Song, yếu tố khách quan lại có vẻ nhiều hơn, theo các nhà nghiên cứu của trường Harvard Kennedy. Trong bài thảo luận chính sách được công bố mới đây, các tác giả của báo cáo này nhận xét, trong thời gian gần đây khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang đứng trước nguy cơ teo tóp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng đến mức báo động. Ngoài ra, trong khu vực kinh tế tư nhân có sự phân hóa rõ rệt thành những doanh nghiệp thân hữu, có mối quan hệ khăng khít với các định chế ngân hàng và giới chức chính quyền và những doanh nghiệp quy mô nhỏ ít có cơ hội tiệm cận các nguồn lực kinh tế.

Báo cáo này khẳng định, doanh nghiệp tư nhân trong nước đang gặp bốn thách thức cơ bản. Thứ nhất là quyền sở hữu tuy được ghi nhận trên giấy nhưng việc thực thi bảo hộ những quyền ấy còn yếu kém. Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. Thứ ba, sự nhũng nhiễu của bộ máy quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp chưa giảm. Và thứ tư, các thể chế hỗ trợ thị trường hoặc thiếu vắng hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Các nhà kinh tế của báo cáo trên cho rằng, các yếu kém về thể chế đã giải thích sự phát triển thiên lệch và nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới đổ vỡ hàng loạt trong khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp tư nhân có mức độ tăng trưởng quy mô đột biến chủ yếu nhờ vào các hoạt động thương mại hoặc đầu cơ, nhất là dồn vốn vào kinh doanh bất động sản. Ngược lại, nếu không có quan hệ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa một phần bị chèn ép bởi khu vực doanh nghiệp nhà nước, một phần bị mất lợi thế bởi doanh nghiệp thân hữu, không thể đầu tư lâu dài để trở thành những doanh nghiệp có quy mô đáng kể hơn. Điều này giải thích vì sao các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, dựa trên sản phẩm có sức cạnh tranh cao, hay sản phẩm riêng biệt tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội gần như chưa xuất hiện.

Theo thesaigontimes.vn