0915.489.819

8 cách để tránh lập ra một công ty có khả năng thất bại

Bạn cần phải điên điên một chút để có thể biến ước mơ thành hiện thực.

Bạn đang có ý định lập một công ty? Vậy thì hãy quen với con số thống kê kinh hãi sau: ba trong bốn công ty khởi nghiệp thất bại. Thành lập (hoặc tham gia) một công ty mới là bước đi rủi ro. Thế nhưng không nghi ngờ gì chúng ta rất cần phải có những ý tưởng và phát kiến để thúc đẩy nền kinh tế và xây dựng những giải pháp thông minh cho các vấn đề mấu chốt. Vậy bạn tăng khả năng thành công bằng cách nào? Học hỏi từ thất bại của những công ty đi trước. Dưới đây là một vài bài học có giá trị đã được đúc kết lại từ những thất bại như thế.

Đừng chỉ vì muốn lập ra một công ty

Nhìn từ bên ngoài, việc lập công ty rất hấp dẫn. Những câu chuyện thành công của sinh viên bỏ học thành tỷ phú với phong cách sống bóng bẩy trong thung lũng Silicon và khả năng tạo ra một thứ giúp thay đổi thế giới vẽ ra viễn cảnh thực sự rực rỡ.

Muốn trở thành một phần của văn hóa nói trên không phải là lý do thích hợp để thành lập công ty, Kyle Foster, đồng sáng lập của Big Switch Networks khuyên. Lúc mới đầu, công ty của Kyle trải qua “trải nghiệm cận chết” khi đối tác tiềm năng lớn nhất mua lại đối thủ hàng đầu. Hiện tại công ty đang làm ăn tốt nhưng giai đoạn đó đã mang đến cho Kyle rất nhiều bài học.

“Sai lầm lớn nhất ở nhiều người là họ lập một công ty chỉ vì muốn thế thay vì có những ý tưởng tuyệt vời.”

Bạn không nên vội vàng. Thay vào đó, dành thêm thời gian để định hình các ý tưởng cho đến khi những ý tưởng tốt nhất hiện ra. “Nếu bạn chưa có ý tưởng hay ho nào, hãy tìm một nơi để làm, đảm bảo thu nhập tốt và thoải mái tập trung phát triển các ý tưởng.”

Tạo điều kiện để nhân viên dễ dàng thôi việc

Trong giai đoạn khởi đầu của công ty, một số nhân viên sẽ không có niềm tin vào công việc đang làm hoặc nhận thấy không phù hợp với công việc. Điều này là bình thường. Theo như Ambarish Mitra nói “Không phải tất cả đều đi trọn hành trình”. Anh đang là giám đốc điều hành và đồng sáng lập Blippar, nền tảng nhận diện hình ảnh và quảng cáo thực tế ảo thành công.

Trong giai đoạn từ 2001 đến 2009, anh chứng kiến ba trong số các công ty mình lập ra thất bại. Theo Ambarish thì những nhân viên rời công ty với tâm lý tốt có thể là đại sứ quảng bá hình ảnh cho công ty. “Để họ nghỉ việc đàng hoàng, hỗ trợ tài chính và thưởng cho những cống hiến của họ.”

Một gói trợ cấp thôi việc hào phóng và văn hóa thấu hiểu đóng vai trò chính trong quá trình. “Nhóm ở lại sẽ hoạt động trơn tru hơn với những yêu cầu của tổ chức mới.”

Lên kế hoạch cho ngày hôm sau, không phải năm tới

Ngay cả ở thời điểm công việc thuận lợi thì vẫn sẽ có trục trặc.

Khi Big Switch chạm đáy, Forster nhận ra giá trị của những bước đi nhỏ. “Bạn đừng nghĩ về kế hoạch trong năm tiếp theo hoặc các kế hoạch 5 năm tới, chỉ nên nghĩ về ngày mai.” Đây là bài học hữu ích với những công ty non trẻ: Đừng nhìn quá xa. Lập kế hoạch dài hạn là tốt nhưng cũng cần phải sẵn sàng xử lý những vấn đề của ngày hôm sau. “Ngay cả ở thời điểm công việc thuận lợi thì vẫn sẽ có trục trặc. Khi mọi chuyện không suôn sẻ, hãy ngừng lại và quay lại với kế hoạch cho từng tháng.”

Đây không phải là việc của chỉ một cá nhân

Ambarish cho rằng người sáng lập chỉ làm tốt như đội ngũ mà anh tuyển dụng. Hình ảnh ẩn dụ của anh cho điều này là: “Bạn không thể phóng tên lửa với tàu kayak. Bạn sẽ cần một tàu chiến. Nếu phóng tên lửa từ tàu kayak, nó sẽ làm chìm cả bạn lẫn thuyền. Với một con tàu chiến, bạn sẽ có một nên tảng vững chãi.” Hãy chia sẻ trách nhiệm gây dựng một công ty, phân phối nỗ lực và “làm việc với rất nhiều những con người tài năng khác ngoài bạn.”

Melissa Tsang, nhà sáng lập ứng dụng Cusoy giúp người dùng tìm những quán ăn không chứa gluten, cũng nói rằng thiếu một đội ngũ hỗ trợ sẽ rất mệt mỏi. “Nếu không có những người giúp tôi minh bạch và thực sự quan tâm tới Cusoy nhiều như tôi thì quả thật rất khó thoát khỏi những ngờ vực về bản thân trong khi phải bước đi một mình.”

Hiểu rõ đối thủ cạnh tranh từ bên trong

Công ty mới thành lập cần phải biết mình đang cạnh tranh với những ai và thông qua những hiểu biết về đối thủ, bạn sẽ tìm được thêm những ý tưởng mới và câp nhật xu hướng.

“Nếu bạn đang nghĩ tới việc lập công ty, bạn nên chọn công ty đối thủ lớn nhất, sau đó làm việc cho họ trong một năm.”

Bạn vừa học hỏi đối thủ vừa được nhận lương để làm điều đó. Ngay cả khi bạn không định làm một năm thì hãy tham gia những buổi phỏng vấn tuyển dụng để hiểu nhiều hơn về công ty này.  Trong trường hợp công ty bạn đang hoạt động, bạn có thể theo sát những động thái của đối thủ trên trang mạng, tài khoản mạng xã hội và đọc những bài phỏng vấn báo chí của họ.

Tự hỏi liệu bản thân có muốn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình không?

Nếu câu trả lời của bạn là không thì nên cân nhắc lại. Bạn cần phải là sứ giả cho công ty. Việc tạo ra một thứ cho nhóm đối tượng bạn không thuộc về sẽ tạo quan niệm sai lầm về tính phù hợp của sản phẩm. Yash Kotak, người đã trải qua thất bại với công ty Lumos vào đầu năm nay, nhắc lại bài học này như một trong những sai lầm lớn nhất của mình.

Công ty sản xuất “công tắc thông minh, kết nối với Internet, có thể nhận biết hành vi của người dùng và tự động đóng mở các thiết bị điện trong nhà.” Vấn đề ờ đây là gì? Không người nào trong đội ngũ của anh sử dụng loại sản phẩm này hoặc có hiểu biết gì về thị trường. “Nếu bản thân chúng tôi cũng sử dụng những công tắc thông minh đang có trên thị trường thì hẳn đã biết rằng giá trị sản phẩm tạo ra được là khá thấp.” Yash chia sẻ.

Hãy nhớ sản phẩm phải là ưu tiên trên hết

Ambarish cho rằng “Những thứ khác chỉ là phụ trợ kèm theo” vì trong khi bạn dễ bị mê hoặc đầu tư cho những thứ hào nhoáng như danh thiếp hay quảng cáo thì tập trung vào sản phẩm mới là đi trước một bước.

Martin Erlic nói đây cũng là một trong những sai lầm góp phần làm công ty thời trang UDesign thất bại. “Chúng tôi đã đầu tư toàn bộ cho kế hoạch quảng cáo thay vì hoàn thiện sản phẩm với giả định chúng tôi có thể tự hoàn thành hiệu quả bất kỳ việc nào. Nhưng không phải vậy, khoản tiền 4000 đô la kia có thể đã tạo ra khác biệt rất lớn.”

Sản phẩm phải là ưu tiên trên hết.

“Nếu bạn có tiền đề đầu tư cho sản phẩm thì bạn nên tập trung vào điều đó. Nhiều người thường bị xao nhãng bởi nhiều thứ khác. Tuy nhiên ở giai đoạn mới định hình, bạn cần có một đội ngũ tuyệt vời và tập trung cho sản phẩm.”

Tìm ra những ý tưởng khác biệt

Trong những ngày đầu ở Blippar, Ambarish nói nhiều người còn không hiểu lắm về công nghệ của mình. Anh coi đây như cơ sở để thấy điều mình đang làm có thể tạo ra thay đổi lớn và dồn tâm sức vào nó. Bốn năm sau, công ty đang mở rộng quy mô và huy động được 45 triệu đô la. “Đôi khi một doanh nhân cần phải tin chính mình và sáng tạo ra thứ chưa từng có trong lịch sử bởi vì họ có niềm tin mù quáng cho nó.” Theo Ambarish:“Bạn cần phải điên điên một chút để có thể biến điều đó thành hiện thực.”

Theo Mạc Dương