Đức Tâm
Ông Nguyễn Thành Vạn An - người cầm mic - chia sẻ về thị trường TMĐT - Ảnh: Hoàng Anh
(TBKTSG Online) – Trong hai tháng cuối năm 2015, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) chứng kiến sự ra đi của hai doanh nghiệp Bé Yêu và Food Panda khiến một số người cho rằng TMĐT đã bắt đầu cạnh tranh khốc liệt. Tuy vậy, những người trong cuộc lại chia sẻ một góc nhìn khác.
Tại một tọa đàm về thương mại điện tử tại ngày diễn ra vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp Venture Cup 2015 mới đây, ông Nguyễn Thành Vạn An, Giám đốc Điều hành (CEO) Hotdeal.vn, cho rằng những đơn vị rời khỏi thị trường thời gian qua đều là những người mới và họ ra đi vì sản phẩm của họ không phù hợp chứ không hẳn là thị trường đã đến mức cạnh tranh khốc liệt về thị phần theo kiểu phải có kẻ thắng người thua.
Theo ông An, thị trường TMĐT Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nơi người bán ngày càng hoàn thiện hơn và người mua ngày càng trưởng thành hơn, chứ chưa đạt đến mức bùng nổ, tức thời điểm có rất nhiều người mua cũng như nhiều người bán cùng tham gia và có thể khiến cho nhiều người bán phải đóng cửa để nhường chỗ cho những người bán khác chuyên nghiệp hơn.
Để dễ hình dung, ông Phạm Hợp Phố, Phó chủ tịch Quỹ đầu tư IDG Ventures Việt Nam, giải thích thêm: về cơ bản, sự phát triển của TMĐT trải qua ba giai đoạn. Đầu tiên là người dùng làm quen, sau đó đến giai đoạn tin tưởng và cuối cùng là thành thạo - tức giai đoạn mà người dùng có thể mua những món hàng phức tạp và đắt tiền từ các trang web thương mại điện tử như xe hơi hoặc các thiết bị điện tử tiên tiến.
Ông Phố nhận xét, hiện TMĐT tại Việt Nam chỉ mới bước vào giai đoạn thứ 2, tức là lúc người dùng bắt đầu tin tưởng và mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Khoản tiền trung bình dành cho một giao dịch trực tuyến đã đạt khoảng 200.000 – 300.000 đồng, bằng với mức chi tiêu trung bình khi mua sắm trực tiếp.
Như vậy khi nào thị trường TMĐT Việt Nam sẽ bùng nổ?
Trả lời câu hỏi này, cả ông Nguyễn Thành Vạn An cũng như ông Huỳnh Lâm Hồ, CEO của Haravan là đơn vị chuyên cung cấp nền tảng website để các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến, đều nhìn nhận rằng TMĐT Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ vào năm 2017, đặc biệt từ cuối năm 2017 khi người mua, người bán, hệ thống thanh toán trực tuyến cũng như logistics cùng trưởng thành hơn.
Và cơ sở để ông Hồ đưa ra nhận xét như vậy đến từ những quan sát của ông trong quá trình làm việc cùng các đơn vị bán hàng. Cụ thể, ông chia sẻ, hiện nay người bán, ngay cả những tiểu thương nhỏ ở chợ mà Haravan tiếp xúc, đều đã rất sẵn sàng với TMĐT. Sở dĩ có sự sẵn sàng như vậy, theo ông Hồ, là vì facebook đóng một vai trò rất quan trọng giúp cho người mua cũng như các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ làm quen dần với việc bán hàng qua mạng.
Tương tự như ông An và ông Hồ, ông Tiêu Võ Đình Phi, CEO của Chodientu.vn, nhận xét thị trường TMĐT Việt Nam sẽ chín muồi trong 2 – 3 năm nữa và tốc độc tăng trưởng hàng năm trong 5 năm đến sẽ duy trì từ 25% đến 30% mỗi năm.
Theo ông Phi, doanh thu từ thị trường TMĐT Việt Nam trong năm nay ở mức 1,2 – 1,3 tỉ đô la Mỹ và quy mô thị trường sẽ tăng 3 – 4 lần trong 3 – 5 năm nữa.
Về quy mô thị trường, ông Hồ dự đoán năm 2017 doanh thu từ TMĐT sẽ gấp 3 lần con số hiện nay, đạt khoảng trên 3 tỉ đô la Mỹ.
Theo ông Hồ, logistics với bài toán về chi phí vận chuyển và chất lượng dịch vụ hiện nay chính là nút cổ chai cần tháo gỡ để giúp TMĐT phát triển nhanh hơn. Bên cạnh đó, thói quen thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng (COD – cash on delivery) của người dùng cũng là một trở ngại lớn cho TMĐT. Rõ ràng COD đem lại sự yên tâm và chủ động cho người dùng nhưng thử hình dung khó khăn mà các công ty vận chuyển phải đối mặt trong câu chuyện quản lý khi hàng ngàn nhân viên của họ giữ tiền mặt của khách hàng và di chuyển khắp nơi, vị CEO trẻ của Haravan phân tích.
Cơ hội nào cho các bạn trẻ khởi nghiệp?
Trong phần trả lời báo chí bên lề hội thảo, ông Phạm Hợp Phố cho rằng đây là thời điểm mà cơ hội dành cho các bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT vẫn còn rất nhiều. Nếu đợi thêm hai năm nữa, khi thị trường đã chín muồi, cơ hội chen chân dành cho người mới sẽ rất khó khăn, ông Phố nói.
Vậy các bạn trẻ nên làm gì trong giai đoạn này? Theo ông Phố, nên có cái nhìn nhận về TMĐT đầy đủ, từ cơ sở hạ tầng, thanh toán, rồi dịch vụ giao hàng, dịch vụ khách hàng… hơn là chỉ nói đến chuyện kinh doanh trên mạng.
TMĐT, từ đầu vào đến đầu ra, vẫn còn rất nhiều cơ hội dành cho người trẻ. Hãy quan sát, tìm ra vấn đề mà các doanh nghiệp đang gặp phải, dù rất nhỏ, ví như làm sao đảm bảo an toàn và đúng hạn khi giao các mặt hàng dễ vỡ, và giải quyết thật tốt, đó là cơ hội của các bạn trẻ, ông Phố gợi ý.
Ngoài ra, hiện nay các quỹ đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các công ty khởi nghiệp (startups) Việt Nam bởi thị trường startups Việt Nam rất tiềm năng nhưng lại bị định giá thấp hơn so với những quốc gia khác trong khu vực. Do vậy, có rất nhiều cơ hội cho các startups gọi vốn từ quỹ đầu tư, vị phó chủ tịch IDG Ventures Việt Nam "bật mí".
Nguồn : http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/140527