Thực tế, có rất nhiều người làm việc ở những vị trí cấp cao, làm thì nhiều lắm nhưng lương thì mãi chẳng đủ tiêu. Đó có phải là lỗi của chính nhà tuyển dụng? Tăng lương cho nhân viên có phải là giải pháp?
Jamie Dimon, CEO của một công ty hàng đầu về dịch vụ tài chính toàn cầu JPMorgan Chase, đã đứng hình vài giây khi ngồi tại một Hội đồng dịch vụ tài chính của Mỹ và được một nữ nghị sĩ người California tên Katie Porter hỏi rằng liệu ông có lời khuyên nào cho một cử tri, cũng chính là nhân viên ngân hàng của Jamie với tiền lương 2,425 đô mỗi tháng, sống với một cô con gái và phải chi trả 1,600 đô cho căn hộ một phòng ngủ có giá 1,600 tại Irvine, cộng thêm chi phí cho ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe và đi lại tốn hết 1400 đô và tính ra mỗi tháng cô còn bị thiếu hụt khoảng hơn 500 đô. Như đã nói, Dimon đứng hình mất vài giây, và sau đó không có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi của nữ nghị sĩ.
Dimon là một trong số những nhà lãnh đạo, bao gồm cả Warren Buffett, Ray Dalio và Paul Tudor Jones, đã bày tỏ mối quan tâm chung rằng chủ nghĩa tư bản cho chúng ta cơ hội để thành công, nhưng không có nghĩa là giải quyết được bài toán phát triển bền vững của xã hội. Những dữ liệu đưa ra khiến những vị lãnh đạo này càng buồn hơn. Trong khoảng thời gian 34 năm từ năm 1980 đến 2014, trong khi thu nhập trước thuế tăng gấp đôi đối với top 1% và gấp ba trong top 0.1% nhân sự cấp cao thì thu nhập phân nửa những người con lại chẳng cải thiện mấy trong khoảng thời gian dài đó. Cho đến năm 2017, vẫn còn đến hơn 45 triệu người dân Mỹ có việc làm với thu nhập trung bình dưới $15 một giờ. Mặc dù việc tăng lương đang được đẩy nhanh tiến độ, 40% người dân lao động Mỹ vẫn phải chịu cảnh không chi trả nổi cho những chi phí phát sinh lên đến $400, phí này còn cao hơn cả phí sửa xe hay phí nha khoa.
Đối với những nhà lãnh đạo trong tình huống của JPMorgan Chase, nơi mà biên lợi nhuận thì cao và lương cho nhân viên lại thấp so với toàn bộ chi phí họ phải chi trả cho cuộc sống hàng ngày thì tăng lương không phải là một điều quá rủi ro. Tăng lương cho nhân viên là việc hiển nhiên cần làm giúp tăng năng suất làm việc, giảm vốn luân chuyển. Nhân viên sẽ có thêm nhiều động lực và háo hức với công việc, giảm gánh nặng về kinh tế, và trung thành hơn với công ty của mình. Đối với những doanh nghiệp có biên lợi nhuận và nhân viên có thu nhập thấp, việc tăng lương tuy khó khăn nhưng cũng không phải là không khả thi.
Tăng lương cho nhân viên – rủi ro hay chiến lược đường dài?
Vài năm trở lại đây, nhiều nhà doanh nghiệp về cơ bản đã tăng mức lương tối thiểu cho nhân viên của họ. Đây là một việc đáng biểu dương, vừa đúng với quy chuẩn đạo đức, vừa là một chiến lược kinh doanh lâu dài. Hơn hết, về mặt kinh tế, việc tăng lương cho nhân viên là sự đầu tư tiềm năng, dù là liên quan đến tiền bạc hay tinh thần, đều là kết quả của sự đầu tư này.
Vào năm 2016, chính Jamie Dimon tuyên bố JPMorgan Chase tăng mức lương tối thiểu cho 16,000 nhân viên của họ từ $10.15 lên đến $16 một giờ, tùy thuộc vào vị trí làm việc. Theo Dimon thì đây là một điều đúng đắn nên làm cho những nỗ lực thu hút cũng như giữ chân nhân tài của công ty. Chi phí cho việc tăng lương là rất lớn, mặc dù rõ ràng là nó không đủ để xóa đi gánh nặng kinh tế cho tất cả mọi người, kể cả cho người nhân viên với cô con gái sống trong khu căn hộ một phòng ngủ kia.
Tăng lương cho nhân viên và bài toán suy giảm lợi nhuận – đâu là lối ra?
Một vấn đề khác được nêu ra ở đây là các doanh nghiệp phải làm thế nào khi họ không có đủ ngân sách để tăng lương cho nhân viên? Một vài công ty quyết định tăng 30% lương cho nhóm nhân viên có thu nhập thấp nhất, điều đó sẽ kéo theo việc lợi nhuận trong thời gian đầu giảm. Điển hình là ở ngành bán lẻ, một môi trường nhiều cạnh tranh cho người lao động, không ít người đi làm phải chấp nhận làm việc ở các vị trí nhân viên bán hàng mức lương quá ít ỏi, nhưng yêu cầu phải có kinh nghiệm làm việc với khách hàng và kỹ năng dịch vụ tốt. Thực tế thì, một vài nhà bán lẻ như Amazon, Walmart, CVS hay Target đã thông báo việc tăng lương từ đầu năm 2018, nhưng chưa giải quyết triệt để vấn đề.
Tuy nhiên, khi thị trường lao động nhiều cạnh tranh và biên lợi nhuận của doanh nghiệp trở thành rào cản của việc tăng lương cho nhân viên, lãnh đạo doanh nghiệp phải giải quyết thế nào cho thỏa đáng?
Giải pháp đầu tiên cần đề cập chính là nhà tuyển dụng cần làm là thiết kế lại trách nhiệm công việc của vị trí đó, làm sao tối ưu hóa được năng suất làm việc cũng như tăng doanh số cho công ty, và dĩ nhiên không để quá khứ lặp lại – nhân viên làm quá nhiều so với mức lương họ nhân được. Nói tóm lại, bạn có thể trả cho nhân viên của mình nhiều hơn bằng cách khiến cho họ cảm thấy họ xứng đáng với việc mà họ đang làm. Như bạn biết đấy, nhà lãnh đạo cũng nên có một cách nhìn khác về đâu tài sản quý giá nhất của công ty và nên đầu tư vào đâu là đúng đắn.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực bán lẻ đầy cam go kia, để có thể tăng lương cho nhân viên mà không cần nâng giá sản phẩm, nhà tuyển dụng và lãnh đạo doanh nghiệp cần sắp xếp lại bộ máy tổ chức của mình. Việc này không chỉ khó ở khâu thực hiện, mà còn khó ở cả khâu quyết định. Liệu bạn có phải là kiểu nhà lãnh đạo sẵn sàng chấp nhận, đấu tranh với hội đồng công ty và các nhà phân tích tài chính để cho nhân viên của bạn một mức lương xứng tầm hơn hay không?
Và với Jamie Dimon, hi vọng rằng ông ấy có thể thực hiện được việc hiển nhiên cần làm này – tăng lương cho nhân viên, dù cho điều này có thể sẽ không hề dễ dàng gì cho chính bản thân ông.
— HR Insider / Theo Harvard Business Review —
Nguồn: http://hrinsider.vietnamworks.com/tang-luong-cho-nhan-vien-co-phai-dieu-hien-nhien-can-lam.html?fbclid=IwAR3XkOOUWnZl2B_LDq8KDKlsE7kQhLwNmn_tW9NbhjCY9sV3-YeU287Cxjg