0915.489.819

Sinh viên : vừa yếu về kỹ năng, vừa không có định hướng nghề nghiệp

Sinh viên : vừa yếu về kỹ năng, vừa không có định hướng nghề nghiệp

Theo Thành Hoa


Ông Trần Anh Tuấn (trái), Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thi trường lao động TPHCM, đang phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: Thành Hoa
(TBKTSG Online) - Sinh viên ra trường hiện nay rất yếu về kỹ năng, và do đó khó nắm bắt được các cơ hội tốt trong thị trường lao động khu vực khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm nay, các diễn giả nhận định tại tọa đàm “Hội nhập kinh tế - thị trường lao động” do Trường Đại học Mở TPHCM tổ chức sáng nay 24-7

Việc cộng đồng ASEAN được hình thành vào cuối năm nay sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam nói riêng và lao động của các nước ASEAN nói chung. Làm sao để tận dụng được những cơ hội này là vấn đề được rất nhiều người quan tâm, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM.

Ông Tuấn cho biết, cộng đồng ASEAN khi được hình thành sẽ tạo ra khoảng 14 triệu việc làm mới mỗi năm, trong đó nguồn nhân lực của Việt Nam chiếm khoảng 1/6. Tuy nhiên có nắm được những cơ hội đó hay không là tùy thuộc vào chất lượng nguồn lao động của chúng ta, ông Tuấn nói.

Nhìn vào thực trạng chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, ông Tuấn cho rằng lao động trẻ là các sinh viên mới ra trường sẽ khó có thể cạnh tranh trong thị trường lao động khu vực do vừa yếu về kỹ năng, vừa không có được định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Trích dẫn kết quả một cuộc khảo sát, ông Tuấn nói rằng có đến 54,2% số sinh viên được khảo sát cho biết sau khi học xong ra trường không biết xin việc làm ở đâu và 28% số sinh viên ra trường đi xin việc thì các doanh nghiệp không biết ngành đó học để làm gì.

Theo bà Lương Thị Hương Giang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, với nguồn lao động được đào tạo như hiện nay rất khó để lao động trong nước tận dụng được cơ hội lớn khi công đồng ASEAN được hình thành vào cuối năm nay. Các trường hiện nay chỉ chú trọng đến các kiến thức cơ bản mà không chú ý đến đào tạo các kỹ năng cho sinh viên. Trong khi đó để quyết định sự thành công của một người lao động thì kiến thức trong nhà trường chỉ chiếm 30%, còn lại 70% là các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, ngoại ngữ…

Sinh viên chưa có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng khi chọn ngành học, trong khi theo bà Giang khi sinh viên chọn ngành học thì phải xác định được mục tiêu nghề nghiệp để trong quá trình học cố gắng rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho nghề mình đã chọn.

"Đằng này, một sinh viên đã học năm 3 rồi mà còn hỏi “ngành nhân sự yêu cầu những kỹ năng gì? Người theo học cần các tố chất gì?” Như thế có nghĩa là ngay từ đầu em theo học nhưng không hiểu gì về ngành đó và cũng không có mục tiêu cụ thể cho bản thân sau khi ra trường, như vậy làm sao đạt được những kỹ năng cần thiết trong quá trình học, và ra trường làm sao thích ứng được với công việc được giao," bà Giang nói.

Ông Nguyễn Tấn Huy, Trưởng Ban thư ký Hội đồng doanh nhân Việt Nam, gợi ý rằng khi ra trường, sinh viên không nên mang tư tưởng mình đi xin việc mà phải nghĩ mình đi ứng tuyển để làm việc. Có như vậy sinh viên mới có thể tự tin hơn trong quá trình phỏng vấn cũng như khi đi làm việc.

Cũng theo ông Huy, khi đi ứng tuyển các ứng viên cần phải biết doanh nghiệp cần cái gì và mình có cái gì, tránh trường hợp sau khi ra trường các bạn trẻ "rải" hồ sơ ở rất nhiều công ty và khi đi phỏng vấn thì không biết một chút gì về công ty đó.

Theo http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/133465/