“Dù công nghệ có phát triển đến đâu, con người với trí tuệ vượt trội và tư duy sáng tạo vô tận vẫn là quan trọng nhất”, nhà khoa học, nhà sáng chế, chuyên gia tư vấn Quản trị Doanh nghiệp, Chủ tịch Trí Tri Group Lý Trường Chiến đã có cuộc trao đổi với Tri thức và Cuộc sống về vấn đề này.
|
Chủ tịch Trí Tri Group Lý Trường Chiến. |
Công nghệ chỉ là công cụ
Ngày nay, sự phát triển như vũ bão của Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã tác động tới mọi mặt đời sống. Theo ông điểm tích cực và tiêu cực của tác động đó là gì?
Mặt tích cực là thành tựu KHCN được ứng dụng cho việc chăm sóc con người, hệ sinh thái, muôn loài có thể đồng hành và phát triển cùng nhau, không triệt tiêu nhau. Mặt tiêu cực là những kẻ xấu có thể lợi dụng công nghệ để tranh giành lợi ích, gây ra chiến tranh, khai thác kiệt quệ tài nguyên, ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái Trái Đất. Công nghệ có thể kết nối con người ở khắp nơi trên thế giới, nhưng lại cũng có thể lấy đi sự giao tiếp giữa con người với con người kể cả những người thân thiết. Thay vì cùng nhau trò chuyện, nhiều thành viên trong gia đình lại chia nhau “ôm” điện thoại...
Trong một doanh nghiệp thì sao thưa ông? Công nghệ 4.0 đang tạo ra những khác biệt gì so với trước đây?
Công nghệ 4.0 đang có tác động sâu rộng tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội trên toàn cầu. CMCN 4.0 được đánh dấu với những đột phá trong mọi lĩnh vực bao gồm dữ liệu lớn, robotics, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nano, công nghệ sinh học, Internet vạn vật (IoT), in 3D, xe tự lái… Thế giới đang trong xu thế tích hợp trí tuệ, sáng tạo và ứng dụng các công nghệ sản xuất những sản phẩm hoàn toàn mới tăng hiệu suất công việc, ít hao công sức và tiết kiệm thời gian… phục vụ cho nhiều nhu cầu đặc biệt của con người, công nghệ có tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới cả hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới.
Nhiều DN trên thế giới ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh doanh, nhưng yếu tố con người vẫn là mấu chốt quan trọng nhất?
Nghiên cứu khảo sát của Harvard Business Review chỉ ra rằng, khoảng từ 20% và 80% công việc nhất định có thể được thay thế bằng máy móc, nhưng không có công việc nào có thể tự động hóa 100%. Điều này có nghĩa là ngay cả với viễn cảnh phát triển trong tương lai, robot cũng không thể thay thế con người hoàn toàn.
Dù kỷ nguyên 4.0 và đang tới là 5.0, mọi thứ thay đổi rất nhanh nhiều và có phần nhiễu loạn, nhưng phát triển đến đâu đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là con người, sự tương tác giữa người với người để phục vụ con người. Tất cả các thành tựu do con người tạo ra chỉ là phục vụ cho lợi ích con người và loài người hay rộng ra là hệ sinh thái. Cho tới muôn đời, cuộc sống vẫn là sự tương tác của 4C tức là Con người tương tác với Con người tạo ra Con đường và kết quả thể hiện qua Con số, và sẽ tác động tới Cộng đồng. Công nghệ được tạo ra để phục vụ con người nên cuối cùng mấu chốt vẫn là con người, nếu không nó sẽ trở thành vô nghĩa.
|
"Tôi xác lập sứ mệnh của mình đến với cuộc đời này là để học hành, giúp đỡ người khác".
|
Quản trị phải bắt đầu từ quản trị chính bản thân mình
Người ta thường nói chuyển đổi số không chỉ là công nghệ mà còn là chuyển đổi tư duy. Vì sao vậy?
Đúng rồi! Tôi vừa nói đó! Tất cả thành tựu công nghệ chỉ là công cụ, do con người tạo ra. Sử dụng công cụ thế nào là do con người. Nếu con người không nhận thức đúng thì không biết sử dụng công cụ đó. Chúng ta phải chuyển đổi tư duy. Phải ý thức được công nghệ là thành tựu của con người và mình muốn hay không muốn công nghệ cũng vẫn tới và tiếp tục đi xa. Không có tư duy chủ động tham gia thì không muốn làm quen nên không thể tạo ra và không thể làm chủ được công nghệ. Ngược lại, khi vận dụng được công nghệ thì giúp khai phát tư duy nâng tầm quản trị. Đó là lý do tôi thường nhấn mạnh với các doanh nhân cần “Nâng cao nhận thức, khai phát tư duy, nâng tầm quản trị”. Chỉ khi khai phát được tư duy thì con người mới tạo ra được giá trị. Quản trị phải bắt đầu từ quản trị chính bản thân mình, quản trị tri thức, thời gian sống các mối quan hệ,… đến đội ngũ của mình… để tạo ra giá trị!
Nhưng tư duy của con người ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi yếu tố văn hóa, lịch sử hay nói cách khác tư duy truyền thống của mỗi dân tộc. Người Việt thì sao?
Ưu điểm là người Việt Nam rất thích, rất nhanh trong ứng dụng cái mới nhưng lại thường lười tư duy, không sâu sát và thiếu sâu sắc nên việc ứng dụng, khai thác nửa vời, dẫn đến lãng phí tài nguyên của cá nhân, của tổ chức, dẫn tới lãng phí của cộng đồng và của cả xã hội.
Tư duy đúng + hành động đúng = Thành công. Ông có chia sẻ gì về công thức này?
Tôi thì thường nói 4Đ, tức là Đúng, Đủ, Đều thì sẽ Đạt. Tức là Đúng bởi tư duy, Đủ do hành động và Đều nhờ ý chí. Cái người làm đúng, làm đủ, làm đều thì mới Đạt. Tiếp tục hoàn thiện thì lên được tới Đỉnh. Mà tới Đỉnh rồi thì tiếp tục lại chinh phục đỉnh cao kế tiếp. Đó là quá trình liên tục!
Tôi từng được ghi nhận với gần 20 giải thưởng sáng tạo kỹ thuật của TPHCM và Quốc gia, rồi trở thành kỹ sư chuyên gia của Viettronic Tân Bình, JVC, Sony... Nhận thức Việt Nam không có điều kiện sáng chế các thiết bị máy móc chuyên sâu hiện đại và các nước phát triển nhờ kinh tế nên tôi chuyển sang làm marketing rồi tư vấn quản trị cho các doanh nhân. Sau 10 năm làm Giám đốc tiếp thị và thành viên Ban điều hành của Tập đoàn Unilever Việt Nam, tôi quyết định lập Trí Tri Group với mục tiêu chia sẻ vốn sống, kinh nghiệm, cách thiết kế chiến lược, xây dựng đội nhóm, triển khai điều hành hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Chỉ có con người mới thực sự sáng tạo ra cái mới
Xu hướng công nghệ Chat GPT, AI ngày một phát triển và có thể thay thế con người trong một số công đoạn. Theo ông làm thế nào để tận dùng AI để nâng cao hiệu quả công việc và phát triển?
AI có thể giúp quá trình phân tích thông tin nhanh hơn, từ đó tăng năng suất, nhưng chất lượng phải do con người và chỉ có con người có năng lực mới có thể tác động vào chất lượng. Chat GPT là trí tuệ nhân tạo chỉ tổng hợp trên những thông tin đã có nên không thể giống như con người tạo ra những thứ chưa từng có với đúng nghĩa của sáng tạo. Chỉ có con người mới thực sự sáng tạo ra cái mới. Và muốn sáng tạo phải trải qua quá trình“Quan tâm sâu sắc, Tư duy tích cực, Thảo luận chí tình thì sẽ tìm ra được Giải pháp thông minh. Nếu hời hợt sẽ không thể nào có được sự sáng tạo.
Cụ thể với nghề báo, bản chất của phóng viên là thông tin trung thực, chính xác, nhanh, kịp thời. Người thật chắc chắn tốt hơn là chat GPT. AI chỉ tổng hợp trên những cái có trước chứ không phải là cái mới, trung thực và kịp thời được. Nên không có Chat GPT hay AI nào thay thế được nhà báo. Và ngay ChatGPT ta cũng cần phải dạy nó!
|
Nâng cao chất lượng sống và hoạt động của tổ chức hay cộng đồng là nhờ quá trình tương tác giữa con người với con người. |
"Một quốc gia muốn hùng cường thì phải có sức mạnh kinh tế mà trong đó các doanh nghiệp là nền tảng cốt lõi".
Trong vai trò nhà tư vấn, ông thường nhấn mạnh yếu tố con người và sự tương tác giữa người với người là quan trọng nhất?
Mọi thứ khởi phát từ con người, hướng tới con người, tạo ra từ con người, phục vụ cho con người và kết thúc bởi con người. Nâng cao chất lượng sống và hoạt động của tổ chức hay cộng đồng là nhờ quá trình tương tác giữa con người với con người. Do đó càng tương tác tích cực thì càng tạo ra được nhiều giá trị tích cực hơn. Triệu cái ôm hay hôn online không thể bằng một cái ôm, cái hôn offline. Một robot trí thông minh nhân tạo, nhưng bằng silicon chắc chắn không thể cảm xúc bằng một con người với đầy đủ giác quan được!
Xin trân trọng cảm ơn ông!