0915.489.819

Ấn tượng đầu tiên...

(TBKTSG) - Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang theo đuổi ước mơ bán hàng hiệu hoặc trở thành những nhà bán lẻ hàng đầu, cạnh tranh với những thương hiệu nước ngoài nhưng điều kiện đầu tiên để biến ước mơ đó thành sự thật đã... bị lỗi.

Nhớ bữa cận Tết, giữa trưa nắng, tôi cố công đến cửa hàng giày của một thương hiệu có tiếng ở khu Phú Mỹ Hưng để mua hàng. Khi bước chân vào đã bắt gặp ánh mắt hững hờ của hai nhân viên, một nam một nữ. Rồi hai người cứ đứng ở quầy thu ngân, mặc cho khách tự kiếm hàng, tự thử. Phải đến khi khách lên tiếng hỏi rằng kiểu giày này có cỡ khác không thì cô nhân viên mới ra phục vụ. Lúc này nhìn rõ cô (mặc áo bầu rộng, quần legging và chân dép kẹp nhựa) mà muốn... té xỉu. Vẻ ngoài của cô, giống như đang ở nhà, hoàn toàn không “ăn nhập” gì với không gian cửa hàng cũng như giá bán tính bằng tiền triệu của những đôi giày tại đây!

Lại nhớ bữa hai vợ chồng tôi vô một trung tâm điện máy có tiếng ở Gò Vấp để chọn hàng. Cả vợ lẫn chồng đều ăn mặc xuề xòa. Đến quầy ti vi, một anh nhân viên ra tiếp đón, giới thiệu. Không biết có phải vì vẻ ngoài “bụi bặm” của khách hay không mà anh nhân viên khá kiệm lời, có hỏi thì anh mới trả lời rồi sau đó... biến mất.

Một lúc sau, một nhân viên khác xuất hiện. Trái ngược với anh nhân viên trước, anh này rất nhiệt tình, hào hứng tư vấn về từng mẫu ti vi. Cuối cùng, chúng tôi bị thuyết phục và mua chiếc ti vi với giá 11 triệu đồng trong khi ý định ban đầu là chỉ mua một chiếc với giá chừng 5-6 triệu đồng!

Kể hai câu chuyện trên để nói một vấn đề mà không ít doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải, đó là nhân viên bán hàng. Đây được coi là “bộ mặt của thương hiệu” nhưng bộ mặt này có nhiều tì vết khiến khách hàng có muốn yêu “vẻ đẹp bên trong” cũng cảm thấy... ấm ức.

Phổ biến là “phong cách” không chuyên nghiệp như cô nhân viên của tiệm giày. Kế đến là thái độ thờ ơ đối với khách hàng, nhìn vẻ ngoài của khách để chọn cách tiếp đón. Lại cũng có kiểu săn đón khách thái quá, theo sát từng bước chân khiến khách cảm thấy ái ngại, ngột ngạt. Những lỗi này chắc không phải vì không được đào tạo, bởi đây đều là những doanh nghiệp lớn, có tham vọng. Vấn đề nằm ở những con người vận hành các quy định, quy trình bán hàng.

Một cô bạn làm nhân viên phụ trách truyền thông của chuỗi bán lẻ điện máy nói các nhân viên bán hàng chịu sức ép lớn về doanh số mỗi tháng, vì vậy, không ít người đã chọn cách nhìn vào vẻ ngoài của khách để... đỡ tốn thời gian chứ thực ra khi mới vào làm, họ đã được đào tạo khá kỹ về kỹ năng cũng như quy trình bán hàng.

Một anh bạn đang giảng dạy môn marketing cho một số trường đại học và cũng đã làm việc tại nhiều doanh nghiệp chia sẻ, nhiều người quan niệm nhân viên tốt là làm việc tốt, hiệu quả. Trước đây, anh cũng từng nghĩ vậy. Nhưng nay, anh nghĩ khác. Tốt thôi chưa đủ, còn cần phải có tâm. Ví dụ như ở vị trí nhân viên bán hàng, người nhân viên có tâm sẽ không chỉ làm tốt việc bán được vài món hàng mà còn làm cho khách hàng yêu quý doanh nghiệp bằng sự tận tình, chu đáo, thân thiện. Muốn vậy, người nhân viên phải thực sự yêu thích công việc “làm dâu trăm họ”, luôn nhớ câu “khách hàng là thượng đế”. Còn doanh nghiệp, muốn có được những nhân viên như vậy, ngoài chuyện xây dựng quy trình, quy định và thực hiện giám sát nghiêm ngặt bằng các công cụ (phần cứng) còn phải tạo ra môi trường làm việc tốt; chính sách, lương bổng phù hợp, xứng đáng (phần mềm). Thiếu vế nào trong hai vế này đều không được.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu và yếu cả về phần cứng lẫn phần mềm. Vì vậy, không còn cách nào khác, phải mau mau thay đổi. Thay đổi để chinh phục khách hàng. Từ đó mới mong hiện thực hóa những mục tiêu vươn ra thế giới hay trở thành nhà bán lẻ hàng đầu khu vực...

Bùi Tâm An - TBKTSG

Nguồn: http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/129906