0915.489.819

M&A Ngược dòng

Bên cạnh những thương vụ thâu tóm đình đám của nhà đầu tư ngoại nhằm vào các công ty nội địa, không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tận dụng cơ hội mua lại tài sản từ khối ngoại.

Gần đây, thị trường tài chính xôn xao chuyện HD Bank mua lại 100% vốn của Công ty Tài chính Việt Nam Société Générale (SGVF), thuộc nhánh Société Générale Consumer Finance của Tập đoàn Tài chính Société Générale - Pháp. SGVF được cấp phép hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007, đến nay đã có 1.100 nhân viên và mạng lưới hoạt động ở hơn 40 tỉnh - thành.

SGVF phát triển chủ yếu mảng dịch vụ tài chính cá nhân (với hơn 125.000 khách hàng) thông qua 300 đối tác và gần 800 điểm dịch vụ ở các cửa hàng xe máy cũng như điện máy trên cả nước. Thương vụ thâu tóm này dĩ nhiên sẽ giúp HD Bank mở rộng mạng lưới hoạt động và đối tượng phục vụ là nhóm khách hàng cá nhân.

Liên quan đến những hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), ông Volker Becker - Giám đốc dự án khối Ngân hàng đầu tư của Công ty Chứng khoán Bản Việt chia sẻ, một công ty thông thường có hai lựa chọn để phát triển, đó là tự phát triển và mua bán công ty.

Một khảo sát của tờ Financial Times thực hiện trên 160 lãnh đạo công ty cho thấy, 83% muốn tăng trưởng nội tại và 55% tin rằng tăng trưởng thông qua thâu tóm là một trong ba lựa chọn chiến lược quan trọng nhất của họ.

Không có chuỗi Victoria thứ hai

Sau khi bỏ ra 45 triệu USD mua lại chuỗi Victoria Hotels & Resorts, Thiên Minh Group đã tạo ra lợi nhuận tăng gấp đôi so với trước khi diễn ra sáp nhập.

Theo ông Volker Becker, lợi ích mỗi thương vụ thường thu được sau hai năm kể từ ngày ký kết M&A và 27% là những giao dịch có tăng trưởng cao, phần còn là thì thành công không cao. Lý do cho sự thành công được nhắc đến là bên mua phải khẳng định được mục đích mua.

Ngay như vụ Thiên Minh mua lại chuỗi khách sạn - khu nghỉ dưỡng 4 sao từ EEM Victoria, Hồng Kông (thuộc Tập đoàn Electricite et Eaux de Madagascar - EEM, Pháp), dù đã hơn hai năm kể từ ngày Thiên Minh chi 45 triệu USD cho thương vụ này nhưng "dư âm" của nó vẫn chưa dứt.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group, cho biết, thông qua sự "mai mối" của một nhân vật (hiện đang làm việc tại Vietnam Investment Group), phía Thiên Minh đã tiếp cận được bên bán.

Theo đó, thương vụ bắt đầu từ năm 2009, đây cũng là thời điểm mà công ty mẹ EEM tại Pháp gặp khó khăn về tài chính và muốn thoái vốn khỏi EEM Hồng Kông.

Những dữ liệu về tình hình công ty thể hiện, từ giữa năm 2008, cổ phiếu của công ty "rớt điểm" và tình hình hoạt động của EEM sụt giảm. Cụ thể, tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu của họ giữa các năm (từ 2008 - 2012) đã giảm 252,82%. Đồng thời, doanh thu trong năm 2009 - 2010 giảm mạnh so với 2008.

Đại diện của EEM đã từng lên tiếng, cuộc đàm phán với Thiên Minh khá cân não và kéo dài (từ 2009 - 2011). Với 5 khách sạn - khu nghỉ dưỡng 4 sao tại các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam và quyền quản lý một khu nghỉ dưỡng ở Campuchia, cái giá 45 triệu USD quả thực không cân xứng với tiềm năng của chuỗi lưu trú này. Hơn nữa, vụ mua bán được thực hiện ở Hồng Kông nên bên mua sẽ được hưởng chính sách thuế tốt nhất.

Quay trở lại khối tài sản mà Thiên Minh mua được, nếu so với mức vốn bỏ ra đầu tư một khách sạn 4 sao thời điểm 2011 rõ ràng đã tiết giảm không ít chi phí. Năm 1996, EEM nhận giấy phép xây dựng khách sạn 4 sao ở Sapa (Lào Cai) với vốn 5 triệu USD, đến khi bán, mức giá cho mỗi khách sạn bình quân dưới 8 triệu USD (khoảng 116 tỷ đồng).

Hiện, chi phí đầu tư cho khách sạn 4 sao ở Lào Cai được không ít chủ đầu tư đưa ra là không dưới 200 tỷ đồng. Đó là chưa nói đến thời gian lập quy hoạch, xin thủ tục đầu tư... sẽ "ngốn" không ít chi phí của DN. Về vấn đề này, ông Kiên cũng từng đề cập, thay vì xây khách sạn, việc mua lại, đặc biệt là mua dạng chuỗi sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho DN.

Cũng theo đại diện Thiên Minh Group, sau khi mua, Công ty đã mất một năm để ổn định hoạt động của toàn chuỗi Victoria. Thông qua việc bơm thêm 2,5 triệu USD cho công suất phòng, nhân sự, công nghệ và marketing, hai năm kể từ thời điểm M&A, chuỗi Victoria Hotels & Resorts đã tạo ra lợi nhuận tăng gấp đôi so với trước khi diễn ra sáp nhập. Điều này ở khía cạnh nào đó không vượt ngoài dự tính của bên mua.

Tại sao? Trong chiến lược phát triển đến năm 2015, Thiên Minh muốn dẫn đầu trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, lưu trú và đặt phòng. Trước khi mua Victoria, Thiên Minh đang điều hành nhiều thương hiệu du lịch nổi tiếng như Intrepid, Buffalo Tours... cũng như một trong những mạng đặt phòng trực tuyến lớn nhất Việt Nam là Ivivu.

Thắng lớn thương vụ Bourbon

Sau gần ba năm mua lại toàn bộ cổ phần từ Bourbon Group, SBT "thống lĩnh" ngành đường với gần 40 nhà máy đường lớn nhỏ trên toàn quốc.

Giữa các nhà đầu tư Pháp và Việt Nam dường như đã có "duyên" trong các vụ sáp nhập. Có thể kể đến như vụ Masan mua Proconco hay một trong hai thương vụ thoái vốn gây sự chú ý đặc biệt vào cuối năm 2010 là của Tập đoàn Bourbon (Pháp) khi chuyển nhượng toàn bộ 68,52% vốn cổ phần của Công ty CP Bourbon Tây Ninh (tên giao dịch tiếng Pháp là Société de Bourbon Tây Ninh, mã chứng khoán: SBT) cho các cổ đông Việt Nam sau gần 15 năm gắn bó với thị trường Việt Nam với giá 34 triệu Euro.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là mức giá thoái vốn của Bourbon lại ngang mệnh giá, tương đương với khoản vốn góp của đối tác Pháp lúc ban đầu.

Đánh giá về vụ việc của Tập đoàn Bourbon, các chuyên gia chứng khoán cho hay, việc Tập đoàn Bourbon thoái vốn tại SBT là do tập đoàn này muốn chuyển hướng đầu tư sang thị trường khác, chứ không hẳn SBT làm ăn không hiệu quả.

Theo đó, lý do về việc thoái vốn cũng đã được phía cổ đông Pháp truyền thông trên thông cáo báo chí thời điểm đó cụ thể rằng, việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại SBT là nhằm tập trung vào cung ứng dịch vụ hàng hải dầu khí ngoài khơi theo yêu cầu của cổ đông công ty mẹ tại Pháp.

Tuy nhiên, một nguồn tin khác từ Hãng tin Tài chính Dow Jones Newswires lại cho hay, SBT bán thỏa thuận 97 triệu cổ phiếu cho Công ty Thành Thành Công và một số pháp nhân khác với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, giá này thấp hơn 20% so với giá đang giao dịch trên sàn của SBT vào ngày 26/11/2010 là 12.000 đồng/cổ phiếu.

Đứng ở góc độ nhà điều hành Bourbon, ông Nguyễn Bá Chủ đã chia sẻ về những thành công của SBT kể từ khi hoàn tất thương vụ mua cổ phần của đối tác Pháp, sau quá trình tiếp nhận, SBT đã cải tổ tổng thể về cách điều hành, xây dựng lại tầm nhìn và định hướng rõ cho DN.

Theo ông Chủ, sau gần ba năm mua lại toàn bộ cổ phần từ Bourbon Group, SBT đã trở thành công ty tiên phong trong ngành đường về quy trình, cách quản lý và trang thiết bị trên tổng số gần 40 nhà máy đường lớn nhỏ trên toàn quốc. Với mức doanh thu năm 2011 của SBT đạt gần 2.053 tỷ đồng, tăng 85,66%, LNST cả năm đạt 545,65 tỷ đồng, tăng 58,05% so với năm 2011.

Và năm 2012, SBT lãi ròng 440 tỷ đồng, đã vượt 28,5% kế hoạch đặt ra. Điều này cho thấy cú "lội ngược dòng" của các cổ đông SBT là hoàn toàn đúng. Cùng với việc thâu tóm Bourbon với mức giá "hời" và các thương vụ đầu tư cổ phần vào các công ty mía đường khác như: Đường Biên Hòa, Khánh Hòa, Ninh Hòa..., Thành Thành Công đã gần như chiếm lĩnh thị trường đường trong nước.

SGP "hoán ngôi" cổ đông ngoại

Giấy Sài Gòn (SGP) về tay cổ đông nội địa sau khi sở hữu toàn bộ cổ phần của Tập đoàn Giấy Daio Paper.

Sau hơn hai năm hợp tác, mới đây, một cổ đông nội địa là ông Mai Hữu Tín đã thay thế hoàn toàn vị trí của Tập đoàn Giấy Daio Paper Corporation (Nhật) tại Công ty CP Giấy Sài Gòn (SGP) kể từ tháng 8/2013 với cổ phần sở hữu 42,3% (tương đương 416 tỷ đồng vốn điều lệ). Ông Cao Tiến Vị cùng hai quỹ đầu tư là Bridgehead, BVIM và các cổ đông còn lại sở hữu 57,7% (tương đương 570 tỷ đồng vốn điều lệ).

So với những thương vụ M&A tại Việt Nam, đây được xem là thương vụ "ngược dòng" hiếm hoi đầu tiên của ngành giấy ở thời hậu sáp nhập, khi có nhà đầu tư ngoại nhường vị trí cho cổ đông nội sau thời gian hợp tác không biến cố. Việc ra đi của Daio Paper cũng được giải quyết khá êm đẹp và để lại nhiều luyến tiếc cho cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vị từng cho biết, việc thoái vốn của đối tác Nhật xuất phát từ những biến động trong nội bộ của Daio Paper. Điều này đã chớm có dấu hiệu từ năm 2011 khi Mototaka Ikawa, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Daio Paper bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì sử dụng hơn 140 triệu USD của Tập đoàn vào chứng khoán và đánh bạc.

Hơn nữa, từ cuối năm 2011 đến nay, tình hình kinh doanh không thuận lợi, khi cuối năm 2011, tập đoàn sản xuất giấy lớn thứ ba của Nhật Bản này tuyên bố lỗ 8 tỷ yên; đồng thời, cùng với nhóm các công ty điện tử, giá cổ phiếu của Daio Paper giảm mạnh.

Tuy thế, theo ông Vị, mặc dù thoái vốn khỏi SGP, nhưng phía Daio cũng rất khắt khe trong thẩm định đối tác tiếp cận khoản vốn mình để lại. "Ngoài chuyện Daio Paper đã hỗ trợ tài chính và chuyên môn giúp SGP vượt qua giai đoạn khó khăn, xét về khoảng thời gian hơn hai năm hợp tác với nhau, theo SGP, Daio vẫn là đối tác tốt, chuyên nghiệp" ông Vị nói.

Thành tích hợp tác được ghi nhận từ kết quả kinh doanh trong 7 tháng đầu năm 2013 được phía SGP tiết lộ đạt lợi nhuận trước thuế tăng gần 60 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Với bối cảnh ngành giấy Việt Nam đang khó khăn, cộng hưởng những lùm xùm từ nội bộ cổ đông Nhật, nhưng với những gì SGP đạt được cũng cho thấy những tín hiệu khả quan từ sự hợp tác này.

Sau khi hoàn tất việc hoán đổi cổ đông, được biết, SGP dự kiến sẽ huy động vốn để tiếp tục đầu tư một chuyền xeo giấy tiêu dùng với công suất 28.000 tấn/năm nhằm khai thác lợi thế cơ sở hạ tầng sẵn có, nâng tổng công suất giấy tiêu dùng lên 74.440 tấn/năm.

"Năm 2014, chúng tôi ưu tiên cho việc chạy hết công suất của nhà máy Mỹ Xuân 1 và 2 với 48.360 tấn giấy tiêu dùng và 224.640 giấy công nghiệp. Chúng tôi sẽ huy động thêm 20% vốn điều lệ, tương đương với 200 tỷ đồng và dự kiến doanh thu của năm 2015 là 4.500 tỷ đồng", ông Vị chia sẻ.

Cho đến thời điểm này, dù những kế hoạch của SGP vẫn còn ở phía trước, nhưng với sự đồng thuận của các nhà đầu tư mới, thì kỳ vọng một tương lai sáng hơn cho SGP là điều hoàn toàn có thể.

PHAN LÊ - ĐỖ HẢI 

Theo: doanhnhansaigon.vn